Sân bay duy nhất do người Pháp xây dựng tại tỉnh biên giới phía Bắc, được đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp
Hơn 70 năm sau chiến thắng, sân bay này tiếp tục là một biểu tượng lịch sử và một động lực phát triển mới cho cả khu vực.
“Pháo đài bất khả xâm phạm” của người Pháp
Sân bay Điện Biên có tiền thân là Sân bay Mường Thanh, nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh, thuộc phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cách các dãy núi cao từ 10 - 12km. Đây là sân bay do người Pháp xây dựng từ năm 1939, ban đầu chỉ là một căn cứ không quân nhỏ thuộc hệ thống sân bay miền núi hẻo lánh của vùng Tây Bắc Việt Nam.
![Sân bay duy nhất do người Pháp xây dựng tại tỉnh biên giới phía Bắc, được đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_05-_san_bay_dien_bien_gwjt.jpg)
Lúc mới xây dựng, đường băng của Sân bay Mường Thanh chỉ là mặt đất cấp phối sỏi sạn, đủ sức chịu tải cho các loại máy bay chiến đấu và vận tải hạng nhẹ như Morane, Potez... Các công trình phụ trợ gần như không có gì đáng kể ngoài đường cất hạ cánh, một sân đỗ nhỏ và hệ thống mương thoát nước.
Nhận thấy vị trí chiến lược quan trọng của sân bay, tướng Henri E. Navarre đã quyết định đầu tư mạnh mẽ để biến nơi đây thành một căn cứ không quân kiên cố. Đường băng được gia cố bằng hàng vạn tấm ghi sắt nhập khẩu từ Pháp, vận chuyển qua máy bay rồi thả dù xuống Điện Biên Phủ để lắp ráp.
Tháng 1/1954, không quân Pháp tiếp tục chuyển 3 tấn dây thép gai từ Sân bay Bạch Mai (Hà Nội) đến củng cố hệ thống phòng thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mỗi ngày có gần 100 lượt máy bay vận tải từ Hà Nội và Hải Phòng tiếp tế 200 - 300 tấn hàng hóa cùng 100 - 150 lính dù cho Điện Biên Phủ.
![Sân bay duy nhất do người Pháp xây dựng tại tỉnh biên giới phía Bắc, được đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_05-_san_bay_dien_bien_1_juhc.jpg)
Tướng Navarre từng tuyên bố đầy tự tin rằng Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả xâm phạm", là "cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh". Vị tướng Pháp xem đây như một cái bẫy để hút lực lượng chủ lực của Việt Minh nhằm bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ.
Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng thất bại. Khi các trận địa pháo mặt đất và hệ thống pháo cao xạ của QĐND Việt Nam được triển khai dày đặc trên các ngọn đồi cao xung quanh Điện Biên Phủ, ưu thế không quân của Pháp dần bị vô hiệu hóa. Đặc biệt, sau giai đoạn một của chiến dịch, thời tiết tại Điện Biên ngày càng xấu đi, khiến hoạt động không vận của Pháp bị tê liệt.
Theo Cổng TTĐT Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, ngày 1/5/1954, Việt Minh mở cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận. Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, vùng ngoại vi của cụm trung tâm lần lượt thất thủ. Trước tình thế ngặt nghèo, quân Pháp hoặc phải đầu hàng vì cạn kiệt lương thực hoặc trông chờ sự yểm trợ cuối cùng từ không quân để xoay chuyển tình thế.
Tuy nhiên, hy vọng này nhanh chóng tiêu tan. Bãi đáp ngày càng bị thu hẹp, các lực lượng tăng viện không thể tiếp cận Điện Biên Phủ một cách hiệu quả. Đến chiều ngày 7/5/1954, bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt, toàn bộ chiến trường rơi vào tay Việt Minh.
Không quân Pháp chịu thiệt hại nặng nề, với 36 máy bay bị bắn rơi hoặc phá hủy ngay trên mặt đất, 150 chiếc trúng đạn và khoảng 79 lính, sĩ quan tử trận hoặc mất tích.
Cảng hàng không hiện đại của khu vực biên giới
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Sân bay Điện Biên được quân đội Việt Nam tiếp quản. Năm 1958, dịch vụ vận tải hàng không dân dụng chính thức được đưa vào khai thác do quân đội đảm nhiệm.
Từ năm 1973, chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sân bay bắt đầu được khôi phục. Kể từ đó, nhiều đợt nâng cấp đã được triển khai, giúp sân bay từng bước hiện đại hơn.
Năm 2022, dự án mở rộng và nâng cấp Sân bay Điện Biên với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng chính thức được khởi công. Trong đó có 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án này chính thức hoàn thành và sân bay cũng trở lại khai thác các chuyến bay thương mại từ cuối tháng 12/2023.
![Sân bay duy nhất do người Pháp xây dựng tại tỉnh biên giới phía Bắc, được đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_05-_san_bay_dien_bien_3_ntji.jpg)
Chỉ sau 4 tháng khai thác, lượng khách đi/đến Điện Biên đã đạt gần 70.000 lượt, với hơn 900 chuyến bay. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 3 - 5/2024), sân bay có ngày tiếp nhận tới 9 chuyến bay với 18 lần cất/hạ cánh.
Tuy nhiên, sau lễ kỷ niệm, tần suất khai thác đã giảm, hiện duy trì bình quân 9 chuyến/tuần.
Về cơ sở vật chất, hiện nay, nhà ga hành khách cảng hàng không Điện Biên được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến. Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Cảng hàng không Điện Biên có sân đỗ tàu bay với 4 vị trí đỗ, trong đó 3 vị trí đỗ dành cho tàu bay A320/A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ dành cho tàu bay ATR72 hoặc tương đương trở xuống.
![Sân bay duy nhất do người Pháp xây dựng tại tỉnh biên giới phía Bắc, được đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp - ảnh 4](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_05-_san_bay_dien_bien_2_hxgf.png)
Hệ thống đường băng mới có chiều dài 2.400m, rộng 45m, kết cấu bê tông xi măng đạt tiêu chuẩn quốc tế ICAO CAT I, giúp sân bay đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn. Đài Kiểm soát không lưu mới, với tổng vốn đầu tư hơn 93 tỷ đồng, cũng được đưa vào vận hành, giúp nâng cao năng lực quản lý bay.
![Sân bay duy nhất do người Pháp xây dựng tại tỉnh biên giới phía Bắc, được đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp - ảnh 5](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/05/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_05-_san-bay-dien-bien-13_xdsm.jpg)
Cảng hàng không này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - du lịch cho Điện Biên và khu vực Tây Bắc. Hiện tại, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 6 tỉnh Tây Bắc sở hữu sân bay, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng.
Hơn 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, sân bay này tiếp tục là một biểu tượng lịch sử và một động lực phát triển mới cho cả khu vực.
Sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách kỷ lục ngày mùng 5 Tết
Sân bay Tân Sơn Nhất căng mình đón khách từ các tỉnh quay lại sau Tết