Xã hội

Sân bay tại tỉnh hẹp nhất Việt Nam được đề xuất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây nhà ga mới

Vĩ Hạ 13/07/2024 - 18:21

Đây là công trình giao thông cấp I thuộc dự án nhóm B có thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế là 100 năm.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án thành phần 1 - Xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).

Nhà ga T2 là công trình giao thông cấp I thuộc dự án nhóm B, có thời hạn sử dụng 100 năm và do HĐQT ACV quyết định đầu tư.

Phối cảnh tổng thể Cảng hàng không Đồng Hới. Ảnh: ACV

Phối cảnh tổng thể Cảng hàng không Đồng Hới. Ảnh: ACV

Nhà ga được thiết kế hiện đại với công suất 3 triệu hành khách/năm (tương đương 1.200 hành khách/giờ cao điểm). Theo định hướng, nhà ga có thể mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm sau năm 2030.

Quy mô thiết kế của nhà ga T2 bao gồm 2 tầng nổi kết hợp tầng lửng và 2 cao trình đi và đến tách biệt. Tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 17.567m2, đáp ứng nhu cầu di chuyển của lượng hành khách đông đảo. Nhà ga được kết nối với khu vực sân đỗ máy bay bằng 3 lối đi bằng cầu ống dẫn khách code C và 1 lối đi bằng xe cobus, đảm bảo sự thuận tiện và an toàn cho hành khách.

Theo thiết kế sơ bộ, nhà ga sẽ có 24 quầy làm thủ tục, ký gửi hành lý truyền thống, 2 băng chuyền bốc dỡ hành lý đi và 3 băng chuyền trả hành lý đến. Ngoài công trình nhà ga, Cảng hàng không Đồng Hới còn xây dựng các hạng mục phụ trợ đồng bộ gồm hệ thống điện nước; cứu hoả; xử lý nước thải, tập kết chất thải rắn; nhà để xe máy, ô tô; căn tin; trạm thu phí; hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe; đường trục tiếp cận vào nhà ga…

Phối cảnh nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới

Phối cảnh nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới

Dự án thành phần 1 – Xây dựng nhà ga T2 sẽ có tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 45 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.073 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 387 tỷ đồng…

Công trình dự kiến khởi công vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý I/2026. Khi hoàn thành, công trình sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho địa phương.

Sân bay Đồng Hới nằm ở xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình, cách trung tâm thành phố 6km về phía Bắc, cách Quốc lộ 1A 300m về phía Đông. Đây là sân bay cấp 4C, có một đường cất hạ cánh dài 2.400m, rộng 45m. Sân đỗ hàng không dân dụng với 4 vị trí đỗ cho tàu bay A321 hoặc tương đương trở xuống, đáp ứng khai thác 4 chuyến bay/giờ.

Sân bay Đồng Hới nằm ở tỉnh Quảng Bình - tỉnh có bề ngang hẹp nhất Việt Nam theo chiều Đông - Tây. Ảnh: Sưu tầm

Sân bay Đồng Hới nằm ở tỉnh Quảng Bình - tỉnh có bề ngang hẹp nhất Việt Nam theo chiều Đông - Tây. Ảnh: Sưu tầm

Nhà ga hành khách Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu có công suất thiết kế khoảng 500.000 hành khách/năm. Công trình này hành khách hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5/2008. Nhà ga có 2 tầng với tổng diện tích mặt sàn nhà ga là 4.282m2.

Hiện tại, nhà ga hành khách này đang phải khai thác vượt công suất thiết kế hơn 50%. Dự kiến đến hết năm 2025, sản lượng vận chuyển hành khách thông qua Cảng hàng không Đồng Hới ước đạt gần 1 triệu khách. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dịch vụ, điều kiện an ninh an toàn trong quá trình khai thác.

Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại Cảng hàng không Đồng Hới trong thời gian tới và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác của cảng.

>> Hưng Yên sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Hầm chui ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sắp thông xe

Việt Nam sẽ có thêm một đô thị biển đảo cách đất liền 30km, có sân bay riêng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/san-bay-tai-tinh-hep-nhat-viet-nam-duoc-de-xuat-dau-tu-gan-2000-ty-dong-xay-nha-ga-moi-d127607.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Sân bay tại tỉnh hẹp nhất Việt Nam được đề xuất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây nhà ga mới
POWERED BY ONECMS & INTECH