Sau hàng thập kỷ 'ngủ đông', một công ty bất ngờ thống lĩnh ngành cảng biển Đồng Nai nhờ dự án 20.000 tỷ đồng ở vị trí 'kim cương'
Sau thời gian dài không có doanh thu, PAP chính thức đưa Cảng Phước An 20.000 tỷ đồng vào vận hành và đón chuyến tàu quốc tế đầu tiên vào ngày 13/2, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong kết nối thương mại giữa tỉnh Đồng Nai và thế giới.
Sáng 13/2, Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đón chuyến tàu quốc tế đầu tiên sau thời gian dài triển khai xây dựng. Tàu mang tên M/V MSC BEIRA IV của MSC – hãng tàu lớn nhất thế giới, khởi hành từ Singapore.
Ông Trương Hoàng Hải – Tổng Giám đốc CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) – đơn vị đầu tư và khai thác cảng cho biết, tàu vận chuyển hơn 1.300 TEUs (1 TEU tương đương container 20 feet) hàng hóa thuộc lĩnh vực may mặc, thời trang, vải nhuộm. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai với thế giới.
![]() |
Cảng Phước An đón chuyến tàu quốc tế đầu tiên (Ảnh: VNExpress) |
Theo tìm hiểu, Cảng Phước An nằm bên bờ sông Thị Vải, được đánh giá có tuyến luồng tốt nhất Việt Nam hiện nay và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 8/2005.
Đây là cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai với quy mô 735ha, bao gồm phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, dự án khởi công xây dựng từ năm 2019 và vận hành giai đoạn 1 vào cuối năm 2024.
Theo quy hoạch, cảng có năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs và 4 triệu tấn hàng hóa tổng hợp mỗi năm. Năm nay, cảng dự kiến khai thác 0,2 triệu TEUs, sau đó tăng dần và đạt 1,18 triệu TEUs vào năm 2030.
PAP thức giấc sau thời gian dài "ngủ đông"
Trước khi siêu cảng đi vào hoạt động, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An trải qua thời gian dài thua lỗ với doanh thu gần như bằng 0. Lợi nhuận của công ty chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chi phí quản lý doanh nghiệp. Năm 2024, doanh thu đạt 2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 17 tỷ đồng, đánh dấu chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp.
![]() |
PAP "trắng" doanh thu trong cả thập kỷ |
Lý giải về tình trạng kinh doanh thua lỗ, ông Trương Hoàng Hải cho biết PAP là doanh nghiệp dự án, hiện vẫn trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động nên chưa có doanh thu từ sản xuất kinh doanh. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án trong giai đoạn đầu.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của PAP đạt 7.121 tỷ đồng, tăng 2.684 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn chủ yếu đến từ nợ, đặc biệt là khoản vay 3.000 tỷ đồng, tăng 1.852 tỷ đồng so với đầu năm, cùng với khoản nợ phải trả khác lên tới 1.118 tỷ đồng (chưa được thuyết minh cụ thể). Vốn chủ sở hữu là 2.459 tỷ đồng, bao gồm lỗ lũy kế 31 tỷ đồng sau 16 năm thành lập.
Kỳ vọng vào siêu dự án được triển khai nhiều năm đi vào hoạt động đã đẩy giá cổ phiếu PAP tăng kịch trần (+14,76%) lên 31.000 đồng/cp trong phiên 14/2. Với 232 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa công ty theo đó đạt 7.215 tỷ đồng.
Về cơ cấu sở hữu, doanh nghiệp có 7 cổ đông lớn, nắm giữ tổng cộng 65,42% cổ phần, gồm: Công ty TNHH MTV Hoành Sơn (17,33%), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (15,09%), cùng các cá nhân Bùi Hữu Quốc Bảo (8,25%), Hoàng Thanh Hùng (6,25%), Hà Văn Nam (6,25%), Võ Trung Thành (6,25%) và Trần Văn Nguyện (6%).
>> Doanh nghiệp 7.100 tỷ đồng lần đầu ghi nhận doanh thu sau 8 năm
Hà Nội giao hơn 24.000m2 đất cho liên danh Handico - Viglacera xây nhà ở xã hội
Dứt khoát thực hiện giai đoạn 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh gần 9.200 tỷ đồng trong năm nay