Xã hội

Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ là phương tiện đi lại chính của người Việt?

Khả Vy 25/11/2024 14:19

Dự kiến, trong giai đoạn 2036-2050, xe điện sẽ chiếm 93% doanh số bán ô tô tại Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện”, đưa ra những hướng đi cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam trong lĩnh vực giao thông điện.

Báo cáo khuyến cáo rằng lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện và khử phát thải carbon trong ngành giao thông vận tải tại Việt Nam cần tập trung vào 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo dự báo, đến năm 2035, xe hai bánh vẫn sẽ là phương tiện chủ yếu của người dân Việt Nam và sẽ dẫn đầu trong xu hướng chuyển đổi sang xe điện. Để thúc đẩy quá trình này, các chính sách cần được triển khai, bao gồm: hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, hoàn thiện tiêu chuẩn an toàn và quy trình kiểm định, khuyến khích sản xuất xe máy điện công suất lớn với phạm vi hoạt động rộng, từng bước hạn chế xe máy xăng. Nhờ những giải pháp này, thị phần xe hai bánh điện có thể tăng mạnh từ 12% hiện nay lên 75% vào năm 2035.

Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ là phương tiện đi lại chính của người Việt? - ảnh 1
Nếu hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người mua ô tô lần đầu. Ảnh minh họa

Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu ở Việt Nam. Nếu hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người mua ô tô lần đầu. Dự kiến, trong giai đoạn 2036-2050, xe điện sẽ chiếm 93% doanh số bán ô tô tại Việt Nam, giúp đạt được các mục tiêu về chuyển đổi giao thông điện.

Chuyển đổi sang xe điện đặc biệt quan trọng đối với phương tiện giao thông công cộng và vận tải thương mại. Mặc dù xe buýt và xe tải chỉ chiếm 2% tổng số phương tiện đăng ký, nhưng lại góp đến 65% lượng khí thải. Để thúc đẩy việc sử dụng xe buýt điện, cần có các chính sách mạnh mẽ nhằm tăng lượng hành khách, cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo tính khả thi về tài chính. Đối với xe tải, việc phát triển xe điện có tải trọng dưới 5 tấn được coi là giải pháp khả thi. Với xe tải hạng nặng, cần nâng cao tiêu chuẩn về nhiên liệu và khuyến khích chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa sang đường sắt và đường thủy để giảm khí thải.

Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ là phương tiện đi lại chính của người Việt? - ảnh 2
Chuyển đổi sang xe điện đặc biệt quan trọng đối với phương tiện giao thông công cộng và vận tải thương mại. Ảnh minh họa

Từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo ra áp lực lớn đối với ngành điện Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh sau đó. Đến năm 2035, để đáp ứng nhu cầu sạc xe điện, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới lên 4%. Đến năm 2050, để đạt được mục tiêu phát triển xe điện, các chỉ tiêu này cần tăng lên lần lượt là 30% và 15%. Để đáp ứng các yêu cầu này, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần đầu tư thêm 9 tỷ USD đến năm 2030 và 14 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2031 đến 2050.

Báo cáo này được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia thông qua Chương trình Đối tác Chiến lược Australia - Ngân hàng Thế giới (ABP2).

>> Từ 2026, xe chở người 4 bánh sẽ bị cấm phát thải tại Việt Nam

Những giấy tờ cần mang khi đi đăng kiểm ô tô từ 1/10/2024

Hà Nội cấm xe máy cũ, ô tô, xe buýt chạy dầu trong vùng phát thải thấp

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-nam-2035-o-to-ca-nhan-se-la-phuong-tien-di-lai-chinh-cua-nguoi-viet-130897.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ là phương tiện đi lại chính của người Việt?
    POWERED BY ONECMS & INTECH