Sau khi OPEC+ quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu thô trong tháng 2, Nhà Trắng đã bày tỏ thái độ hoan nghênh đối với động thái của liên minh dầu mỏ.
Kết thúc cuộc họp hôm 4/1, các nhà sản xuất dầu thô OPEC+ đã nhất trí sẽ bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày ra thị trường trong tháng 2 tới.
Ngay sau quyết định này, Nhà Trắng đã ra thông báo mới, tỏ thái độ hoan nghênh đối với chính sách của OPEC+. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn ca ngợi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà Trắng và Arab Saudi, UAE.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: "Chính quyền Tổng thống Biden đang tập trung thúc đẩy nguồn cung dầu thô để đảm bảo cung bắt kịp cầu khi nền kinh tế phục hồi cũng như để giúp giá xăng tại Mỹ hạ nhiệt…"
Theo Reuters, vị phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ còn nói thêm rằng quyết định của OPEC+ sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Vị phát ngôn tiếp tục: "Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ trong những tuần gần đây với hai đối tác Arab Saudi, UAE và các nhà sản xuất OPEC+ khác về vấn đề tháo gỡ áp lực giá cả. Chúng tôi hoan nghênh quyết định tăng sản lượng của OPEC+.
Tuy nhiên, động thái của OPEC+ thậm chí không giúp giá dầu thô đi xuống mà còn đẩy giá lên cao hơn. Giá dầu Brent đã tăng khoảng 50% trong năm ngoái và tiếp tục đà tăng này trong những ngày đầu năm 2022.
Trong phiên 4/1, giá dầu Brent đã nhích thêm 2% lên hơn 80 USD/thùng.
Trong nhiều tháng trước, chính quyền ông Biden liên tục chỉ trích việc tăng sản lượng của OPEC+ là quá chậm và không đủ để hỗ trợ người tiêu dùng. Washington còn nhấn mạnh liên minh dầu mỏ đang ngáng chân sự phục hồi của nền kinh tế chung.
Dưới áp lực phải hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, chính quyền ông Biden đã tiến tới xử lý những thương nhân đầu cơ xăng dầu, đồng thời thông báo xả kho dự trữ chiến lược khoảng 50 triệu thùng dầu.
Trên thực tế, ông Biden còn có một cách khác thay vì tìm tới OPEC+. Đó chính là tự bơm thêm dầu đá phiến để giải tỏa cú sốc giá nhiên liệu. Các công ty khai thác dầu mỏ tại Mỹ vẫn chưa phục hồi sản lượng về mức trước đại dịch, chứng tỏ họ có thể cung ứng thêm dầu ra thị trường.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không mở lời với các doanh nghiệp quê nhà mà lại kêu gọi OPEC+ hỗ trợ. Theo đưa tin của CNN, Viện Dầu khí Mỹ (API) - nhóm vận động hành lang quyền lực cho ngành dầu khí Mỹ, không hài lòng với động thái của vị tổng thống Đảng Dân chủ.
Nguyên nhân sâu xa khiến ông Biden phải hành động như vậy chính là lời cam kết loại bỏ dần dần nhiên liệu hóa thạch mà ông đưa ra khi tranh cử tổng thống. Vị tổng thống Đảng Dân chủ không thể đảo ngược lời hứa cũ, khi mà điều này có thể khiến cử tri mất lòng tin với ông.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã đưa ra một loạt quyết sách gây bất lợi cho ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước như hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, dừng cho thuê đất công để khai thác dầu mỏ,… Một bộ phận công chúng cho rằng giá xăng dầu đắt đỏ như hiện nay là do các chính sách môi trường của ông Biden.
Ở diễn biến khác, OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/2 tới. Từ tháng 4/2020, liên minh này đã mạnh tay "siết vòi" 10 triệu thùng dầu/ngày để ứng phó với cú sốc giá dầu. Đến nay, OPEC+ chỉ mới khôi phục hơn một nửa sản lượng đã cắt giảm.
Giá xăng dầu hôm nay 5/3/2024 duy trì đà tăng sau quyết định của OPEC+
Giá dầu thế giới hồi phục sau khi OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng/ngày