Vĩ mô

Siêu cường châu Á ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc 70 tỷ USD: Dẫn đầu thế giới về độ an toàn và chính xác

Phúc Lam 03/08/2024 - 20:32

Đất nước có hệ thống đường sắt dẫn đầu thế giới về tính hiệu quả, ưu việt và tốc độ di chuyển lên tới 320 km/h.

Tháng 3/2024, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản và các đối tác Nhật. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông báo về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và mong muốn sự ứng vốn từ Nhật Bản trong dự án này. Đáp lại, Bộ Tài chính Nhật Bản thể hiện tinh thần sẵn sàng tham gia vào dự án này và các dự án hạ tầng khác của Việt Nam.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, Nhật Bản dành sự quan tâm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Biểu tượng của Nhật Bản

Hệ thống đường sắt của Nhật Bản vô cùng phát triển với tổng chiều dài khoảng 27.000 km, bao gồm 119.854 cây cầu và 4.764 đường hầm qua núi và biển.

Nhu cầu di chuyển bằng phương tiện giao thông tại đất nước này cũng rất cao. Hệ thống đường sắt Nhật Bản chuyên chở khoảng 22,65 tỷ lượt hành khách mỗi năm, trung bình mỗi người dân đi khoảng 200 chuyến tàu/năm.

Tàu cao tốc Shinkansen là biểu tượng của đường sắt Nhật Bản, đây cũng là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới. Được khai trương vào năm 1964 nối Tokyo và Osaka, hiện nay chỉ mất 2 giờ 25 phút để hoàn thành chặng đường khoảng 500 km. Tàu Shinkansen có tốc độ tối đa đạt 320 km/h và đã lập kỷ lục 581 km/h vào năm 2003.

Siêu cường châu Á ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc 70 tỷ USD: Dẫn đầu thế giới về độ an toàn và chính xác
Tàu Shinkansen Nhật Bản - Ảnh: Internet

Đặc biệt, tàu Shinkansen nổi tiếng với độ an toàn và đúng giờ của mình. Từ khi đi vào hoạt động, tàu chưa ghi nhận bất kỳ tai nạn liên quan đến hành khách chết hoặc bị thương. Năm 2003, trung bình thời gian trễ giờ của tàu chỉ là 6 giây.

Chi phí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen là 400 tỷ yên, tương đương 780 triệu yên/km, trong khi ước tính ban đầu chỉ khoảng 200 tỷ yên.

Tàu cao tốc Shinkansen xuất hiện như một bước chuyển mình không chỉ của người dân Nhật Bản mà của toàn thế giới, mở ra thời kỳ đổi mới cho hệ thống đường sắt trên toàn cầu. Ông Naoyuki Ueno, đại diện Công ty Đường sắt Trung Nhật Bản (JR Central) tại Luân Đôn, nói: “Tàu cao tốc Tokaido Shinkansen được người dân Nhật Bản thời đó gọi là ‘Giấc mơ Siêu tốc’. Tôi nghĩ điều này thực sự đã mang đến cho người dân Nhật Bản hy vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế và đóng góp lớn lao cho tương lai của ngành đường sắt.”

Những kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam

Có kế hoạch thu hút nguồn vốn tư nhân: Một trong những yếu tố then chốt dẫn đến thành công của hệ thống đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản là hình thức hợp tác công tư (PPP). Đây là sự hợp tác thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ giữa Nhà nước và tư nhân. Ngoài nguồn vốn Nhà nước cung cấp, các công ty tư nhân cũng đầu tư mạnh mẽ sau khi bị thu hút bởi những lợi ích vượt trội khi đầu tư vào đường sắt.

Khác với hệ thống đường bộ với chi phí giải phóng mặt bằng lớn, một hành lang đường sắt chỉ cần độ rộng trên dưới 10m. Bên cạnh đó, ngoài vé tàu, nguồn thu khác có thể nhận được khi đầu tư vào hệ thống đường sắt là bất động sản và thương mại quanh nhà ga. Theo các nghiên cứu, giá trị bất động sản trong vòng 800m từ các nhà ga trung chuyển trung bình tăng 30% so với khu vực khác.

Xây dựng khung pháp lý vững chắc: Một khung pháp lý vững chắc là cơ sở để quản lý nghiêm ngặt và hiệu quả xây dựng và vận hành của hệ thống đường sắt.

Tại Hội thảo chuyên đề “Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ xây dựng Luật Đường sắt 2017 sửa đổi” được tổ chức ngày 15/4/2024, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết Luật Đường sắt 2017 mặc dù đã phát huy vai trò tích cực trong việc điều hành, quản lý hệ thống đường sắt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) là vô cùng cần thiết để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, việc xây dựng và đổi mới khung pháp lý là cấp bách để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý đất nền: Nhật Bản đã chia sẻ về công nghệ neo đất, một trong những công nghệ hiện đại trong xây dựng kết cấu hạ tầng của đất nước này và Việt Nam đã bước đầu làm quen với công nghệ này.

GS.TS Vũ Đình Phụng (Trường Đại học Xây dựng) đánh giá công nghệ neo đất là công nghệ hữu hiệu để gia cường chống sụt, trượt, đặc biệt trong các công trình cầu, đường, hầm và dự kiến sẽ được sử dụng phổ biến trong xây dựng hạ tầng của các thành phố lớn tại Việt Nam trong 15-20 năm tới.

>>Đường sắt cao tốc 70 tỷ USD - Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam?

Đường sắt cao tốc 70 tỷ USD - Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam?

Kỳ tích đường sắt cao tốc của láng giềng Việt Nam: Từ vô danh đến số 1 thế giới, xây hơn 42.000km với chi phí chỉ bằng 2/3 nước khác

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-cuong-chau-a-ngo-y-ho-tro-viet-nam-lam-duong-sat-cao-toc-70-ty-usd-dan-dau-the-gioi-ve-do-an-toan-va-chinh-xac-243966.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Siêu cường châu Á ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc 70 tỷ USD: Dẫn đầu thế giới về độ an toàn và chính xác
POWERED BY ONECMS & INTECH