Vĩ mô

Đường sắt cao tốc 70 tỷ USD - Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam?

Phúc Lam 30/07/2024 13:19

Khi hoàn thành, hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông của Việt Nam.

Một thời, hệ thống đường sắt Việt Nam tự hào là một trong những mạng lưới đường sắt sớm nhất ở Đông Nam Á. Đây là động lực chính của giao thông vận tải quốc gia, kết nối những vùng đất xa xôi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sau hơn 140 năm hình thành và phát triển, hệ thống đường sắt Việt Nam đang đối mặt với tình trạng xuống cấp trầm trọng, lạc hậu xa so với tiến bộ của giao thông đường sắt toàn cầu. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật lỗi thời, đường sắt đơn chiếm tới 85% mạng lưới giao thông đường sắt cả nước. Công nghệ nền tảng lại rất đơn sơ, lạc hậu so với các nước phát triển.

Trong bối cảnh đó, một dự án đầy tham vọng đã được lên kế hoạch - Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Với tổng chiều dài hơn 1.500km, xuyên suốt 20 tỉnh thành, dự án này hứa hẹn sẽ mang lại một cuộc cách mạng mới cho giao thông vận tải Việt Nam. Khởi động vào năm 2026-2027, với mức đầu tư ấn tượng lên tới 70 tỷ USD, dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong khoảng 10 năm tới, năm 2035.

Khi hoàn thành, hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dự án này còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và năng lực, đồng thời thúc đẩy hợp tác và phát triển cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đường sắt cao tốc - Loại hình đặc biệt phù hợp với địa hình Việt Nam

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ Giao thông Vận tải phân tích địa hình Việt Nam với hình chữ S rộng ở hai đầu, đoạn giữa hẹp và do phía Tây là dãy núi Trường Sơn giáp Lào nên tài nguyên đất đai không được phong phú. Đặc biệt, có chỗ rất hẹp tại dải duyên hải ven biển nên việc phát triển nhiều trục đường bộ thay trục dọc là không thể. Chính địa hình thiên nhiên đặc biệt này đã tạo điều kiện thuận lợi để loại hình giao thông khối lượng chuyên chở lớn, tốc độ cao và chiếm dụng ít tài nguyên đất như đường sắt cao tốc có thể xây dựng và phát triển tại Việt Nam.

Đường sắt cao tốc 70 tỷ USD - Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam?
Đường sắt cao tốc Bắc Nam và tương lai đầy hứa hẹn - Ảnh: Internet

Đặc biệt, tới 85% dân số và 90% tổng sản phẩm quốc nội đều được tạo ra tại hai khu vực nằm ở hai đầu Nam - Bắc cách nhau tới 1.500km, khiến nhu cầu kết nối nhanh chóng và hiệu quả trở nên cấp thiết.

Đây chính là yếu tố then chốt thúc đẩy Chính phủ Việt Nam triển khai dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ trở thành động lực then chốt, giúp vận chuyển, điều phối nguồn nhân lực và hàng hóa một cách nhanh chóng, hiệu quả giữa hai cực kinh tế trọng điểm.

Không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dự án còn được kỳ vọng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Khi các trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục được kết nối chặt chẽ, những bức tranh khác biệt về phát triển sẽ dần được xóa nhòa, hướng tới một Việt Nam ngày càng thịnh vượng và đồng đều.

Ngoài những ảnh hưởng tích cực mà đường sắt cao tốc đem lại cho nền kinh tế Việt Nam, theo đánh giá nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), sự xuất hiện của tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là một giải pháp hữu hiệu góp phần tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách với giá trị khoảng 2 tỷ USD, cùng với đó chi phí đi lại của xã hội cũng được giảm đi đáng kể, ước tỉnh khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050.

Chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến những bước tiến đột phá trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo dự báo của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang Bắc - Nam sẽ là 534.000 hành khách mỗi ngày, tương đương 195 triệu lượt/năm (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,59%. Tuy nhiên, nếu hệ thống đường sắt tốc độ cao không được xây dựng thì tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm tình đến năm 2030.

Làm một phép toán nhỏ, ta có thể thấy ngay rằng nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156 hành khách/ngày. Để giải quyết bài toán này, đường sắt tốc độ cao là một biến số cần tìm với những ưu việt về năng lực và tốc độ.

Tạo động lực mới cho phát triển bền vững

Theo Tiến sĩ Majo George, Giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, lâu nay vai trò của tàu cao tốc trong hệ thống logistic và vận tải ở nhiều quốc gia từ lâu đã rất quan trọng và không thể phủ nhận. Khả năng vận chuyển với tốc độ cao, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc... là một trong rất nhiều những lợi ích to lớn mà tàu cao tốc mang lại.

Khi nhắc đến tầm quan trọng của đường sắt cao tốc với Việt Nam, chúng ta không thể không nhấn mạnh vai trò then chốt của nó trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Đây không chỉ là một thay đổi mang tính tiện lợi, mà còn là một nhu cầu then chốt, không thể thiếu đối với sự bứt phá của nền kinh tế.

Trên mặt trận vận tải hàng hóa, đường sắt cao tốc hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá đáng kể. Nhờ khả năng vận chuyển siêu tốc, phương tiện này sẽ khiến cho quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng được cải thiện đáng kể, chi phí vận hành giảm xuống, qua đó tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu của các sản phẩm Việt Nam.

Không chỉ vậy, mạng lưới đường sắt cao tốc còn trở thành động lực thúc đẩy sự giao lưu, kết nối giữa các vùng miền. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, mà còn tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tăng cường trao đổi, hợp tác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ tạo ra những đột phá nội tại, hệ thống đường sắt cao tốc còn sẽ trở thành cầu nối vững chắc, đưa Việt Nam tiến sâu vào làn sóng hội nhập và hợp tác khu vực. Với khả năng vận chuyển hàng hóa siêu tốc, tàu cao tốc sẽ trở thành phương tiện ưu việt, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương mại, logistics giữa Việt Nam và các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc. Từ đó, Việt Nam sẽ dần khẳng định vị thế là trung tâm logistics và marketing quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Khả năng phát triển bất động sản gần ga đường sắt là một tác động kinh tế khác, giúp gia tăng giá trị tài sản và cơ hội đầu tư. Việc người dân ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng tàu cao tốc cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí bảo trì đường cao tốc và tăng cường an toàn đường bộ. Thời gian di chuyển được rút ngắn còn khiến các điểm đến du lịch trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, các dự án bất động sản xây dựng gần các ga đường sắt sẽ chứng kiến làn sóng gia tăng giá trị đáng kể, trở thành những điểm đầu tư hấp dẫn. Việc người dân ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng phương tiện tàu cao tốc còn mang đến những lợi ích thiết thực như giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm đáng kể chi phí bảo dưỡng đường cao tốc. Thêm vào đó, với khả năng di chuyển nhanh chóng, tàu cao tốc sẽ kết nối các điểm du lịch, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm những địa danh hấp dẫn.

Xét về vấn đề môi trường, mạng lưới đường sắt tốc độ cao mở ra một cánh cửa mới trên hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Với một phương tiện nhanh chóng, thuận lợi và đem lại cảm giác thoải mái mỗi khi sử dụng, việc lựa chọn đường sắt tốc độ cao để sử dụng sẽ dần trở nên phổ biến hơn. Điều này có thể giảm thiểu lượng ô tô lưu thông trên đường bộ cũng như những chuyến bay nội địa chặng ngắn. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu lượng ô tô lưu hành còn giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông khi di chuyển.

>>Kỳ tích đường sắt cao tốc của láng giềng Việt Nam: Từ vô danh đến số 1 thế giới, xây hơn 42.000km với chi phí chỉ bằng 2/3 nước khác

Lộ diện quốc gia là đích đến của 1/4 dòng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

Việt Nam xuất siêu hơn 14 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duong-sat-cao-toc-70-ty-usd-cu-huych-cho-nen-kinh-te-viet-nam-243588.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đường sắt cao tốc 70 tỷ USD - Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH