Thị trường

Siêu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cú hích 4,4 tỷ USD, mở ra thị trường 90.000 việc làm

Ái Hân 08/02/2025 23:02

Không chỉ đóng vai trò chiến lược trong kết nối vận tải, tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng còn mở ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 4,4 tỷ USD, đồng thời tạo ra 90.000 việc làm trong giai đoạn thi công.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt Trung Quốc.

Siêu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cú hích 4,4 tỷ USD, mở ra thị trường 90.000 việc làm
Ga Lào Cai. Ảnh minh hoạ

Dự án có tổng chiều dài 403,1km, bao gồm tuyến chính 388 km và hai tuyến nhánh dài 15 km. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương 8,027 tỷ USD), dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

Tuyến đường sắt này giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai với cảng biển Hải Phòng, đi qua 9 tỉnh, thành phố, nơi tập trung 20% dân số cả nước, đóng góp 25,4% GDP và sở hữu 25% số khu công nghiệp trên cả nước.

Theo dự báo, đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ đạt 397 triệu tấn hàng hóa và 334 triệu lượt hành khách. Để giảm tải cho hệ thống đường bộ và đường thủy, tuyến đường sắt mới cần đảm nhận khoảng 25,6 triệu tấn hàng hóa và 18,6 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Tuy nhiên, tuyến đường sắt hiện hữu được xây dựng từ thời Pháp có khổ ray 1.000mm, tốc độ khai thác trung bình chỉ 50km/h, hiện chỉ có thể đáp ứng 4,1 triệu tấn hàng hóa và 3,8 triệu lượt hành khách mỗi năm, chủ yếu phục vụ du lịch. Dù đã tận dụng tối đa công suất của đường bộ và đường thủy, đến năm 2040, hệ thống vận tải hiện tại vẫn không thể đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là đối với hàng hóa.

Việc đầu tư tuyến đường sắt mới với khổ ray 1.435mm sẽ đảm bảo an toàn hơn, chiếm ít diện tích đất hơn so với đường bộ, thân thiện với môi trường và cho phép vận chuyển hàng hóa liên vận tới tận châu Âu, giúp giảm đáng kể chi phí logistics.

>> ‘Trải thảm đỏ’ tuyển dụng, mang việc làm đến tận tay lao động nhưng doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm người

Bên cạnh vai trò trong vận tải, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Theo tính toán của Bộ GTVT, dự án này sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá 4,4 tỷ USD, đồng thời cung cấp 90.000 việc làm trong giai đoạn thi công và 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành.

Nếu tính tổng thể hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, thị trường xây dựng trong lĩnh vực này có thể đạt 98,2 tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm. Trong giai đoạn tới, ngành giao thông cần phát triển thêm 1.953km đường sắt tiêu chuẩn, góp phần mở rộng ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt mới sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ với hệ thống quốc tế và phù hợp với điều kiện khai thác tại Việt Nam. Bộ đề xuất áp dụng công nghệ động lực tập trung cho cả tàu khách và tàu hàng, cùng với hệ thống thông tin - tín hiệu đạt tiêu chuẩn khu vực.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, ngành công nghiệp đường sắt cần dựa trên quy mô thị trường và tiềm lực của các ngành luyện kim, cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ. Định hướng đến năm 2045, Việt Nam sẽ từng bước nội địa hóa phương tiện đường sắt, sản xuất linh kiện phần cứng, phần mềm cho hệ thống tín hiệu, cấp điện, cũng như chế tạo phụ tùng thay thế cho đường sắt tốc độ cao.

Riêng với dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phương tiện và thiết bị sẽ được lựa chọn sao cho Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc và sản xuất đầu máy, toa xe tốc độ dưới 200 km/h trong nước.

Siêu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cú hích 4,4 tỷ USD, mở ra thị trường 90.000 việc làm
Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồ họa: Hoàng Khánh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Đầu máy và Toa xe lửa Đại Liên (Trung Quốc). Nếu đạt được thỏa thuận hợp tác, Việt Nam có thể đầu tư nhà máy sản xuất đầu máy, toa xe và từng bước chế tạo phụ tùng thay thế cho đường sắt tốc độ cao.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Việt Nam định hướng phát triển 13 hành lang kinh tế, trong đó hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ hai cả nước (chỉ sau hành lang Bắc - Nam phía Đông). Tuyến này cũng là trục giao thông quan trọng trong sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai" giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong các tuyến hành lang kinh tế trọng điểm, vận tải đường sắt có vai trò đặc biệt quan trọng nhờ khả năng vận chuyển khối lượng lớn với chi phí thấp. Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ giúp kết nối các trung tâm đô thị, khu công nghiệp lớn tại vùng trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, mà còn là tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Tây Nam Trung Quốc ra cảng biển quốc tế.

>>Thị trường container toàn cầu tăng trưởng bất chấp thách thức từ Biển Đỏ và chính sách thương mại Mỹ

Sau thương vụ tỷ đô về tay người Hàn, một công ty bảo hiểm Việt chuẩn bị đổi tên

Cụ ông 70 tuổi rút toàn bộ tiền tiết kiệm để mua vàng, nhân viên ngân hàng bất ngờ từ chối và lập tức báo cảnh sát

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-cu-hich-44-ty-usd-mo-ra-thi-truong-90000-viec-lam-275218.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cú hích 4,4 tỷ USD, mở ra thị trường 90.000 việc làm
    POWERED BY ONECMS & INTECH