Sớm xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 2 tại sân bay trọng điểm xứ Nẫu, tổng đầu tư hơn 3.000 tỷ
Đây là nội dung quan trọng được đề cập trong buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với tỉnh Bình Định, các bộ, ngành vào ngày 27/9.
Theo báo cáo tại cuộc họp, Cảng hàng không Phù Cát được xây dựng trong giai đoạn 1960-1970 và bắt đầu khai thác hàng không dân dụng từ năm 1985.
Sau 60 năm hoạt động, đường cất hạ cánh duy nhất hiện nay đã xuống cấp, sức chịu tải thấp, chỉ đảm bảo khai thác giảm tải đối với các loại tàu bay như A320/321 và tương đương. Sân đỗ máy bay hiện có thể đáp ứng 7 vị trí đỗ, nhà ga hành khách cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng công suất thiết kế khoảng 2 triệu hành khách mỗi năm.
Sân bay Phù Cát hiện có một đường băng dài 3.048m và rộng 45m. Theo quy hoạch, đường băng số 2 sẽ được xây dựng song song với đường băng hiện tại, cách 215m về phía Tây, và sẽ có kích thước tương tự: dài 3.048m và rộng 45m.
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát giai đoạn 2021-2030, sân bay sẽ được nâng công suất phục vụ lên 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa mỗi năm, với khả năng khai thác các loại máy bay code C như A320/A321 và tương đương. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay dự kiến đạt công suất 7 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa mỗi năm, tiếp tục khai thác các máy bay code C và tương đương. Bộ Giao thông Vận tải nhận định rằng việc xây dựng đường băng số 2 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho tỉnh Bình Định, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, cho biết Cảng hàng không Phù Cát đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và thu hút đầu tư cho địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng của sân bay đang là điểm nghẽn cần sớm được giải quyết.
“Cấp bách nhất hiện nay là xây dựng đường cất hạ cánh số 2. Chi phí dự kiến các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị được sử dụng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng (khoảng 1.008 tỷ đồng), đồng thời chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đã trao đổi, phân tích các cơ sở pháp lý liên quan đến đầu tư công, ngân sách, và lĩnh vực hàng không để trả lời kiến nghị từ tỉnh Bình Định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, căn cứ vào thẩm quyền và các quy định của pháp luật hàng không dân dụng, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của Cảng hàng không Phù Cát.
Là vùng đất đầy nắng và gió của Việt Nam nhưng Bình Định được thiên nhiên ưu ái, ban tặng vô số cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa kỳ vĩ vừa nên thơ, trữ tình. Nhiều địa danh nổi tiếng tại Bình Định có thể kể đến như Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Hòn Sẹo, nơi biển xanh như ngọc và núi non trùng điệp tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ.
Ngoài thiên nhiên tươi đẹp, Bình Định còn nổi tiếng với văn hóa đa dạng, từ Tháp Đôi thế kỷ XII đến Bảo tàng vua Quang Trung, nơi lưu giữ dấu ấn vương quốc Champa. Tháp Dương Long, với ba tòa tháp cổ sừng sững, mang nét huyền bí đầy cuốn hút.
Về ẩm thực, Bình Định gây ấn tượng với nhiều món ăn dân dã như cá ồ cuốn bánh tráng, bún sứa, chả ram tôm đất, nem chợ Huyện, bánh ít lá gai và rượu Bàu Đá, đã lọt vào danh sách 121 món ẩm thực nổi bật của quốc gia năm 2022. Các món như bánh xèo tôm nhảy, bún song thằn, và mắm nhum Mỹ An cũng để lại dấu ấn sâu đậm.
Nhờ các cảnh quan và đặc sản độc đáo, Bình Định thu hút 5,69 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024, tăng 106% so với năm trước, đạt doanh thu 14.995 tỷ đồng. Chính quyền tỉnh cũng tổ chức nhiều sự kiện để phát triển du lịch, như VnExpress Marathon và Giải Teqball Quốc tế.
Việc nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt cảng hàng không Phù Cát sẽ tạo bước đệm quan trọng đến du dịch của vùng ‘đất võ, trời văn’ ngày càng phát triển.
Cách trung tâm TP Quy Nhơn 30km về phía Tây Bắc, sân bay Phù Cát (thuộc xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970. Từ năm 2000 đến nay, sân bay này được đầu tư xây dựng mới một số công trình như đường lăn, sân đỗ, nhà ga… Hiện sân bay có thể đón 1,5 triệu hành khách mỗi năm, với một đường băng. |
Thủ đoạn mạo danh hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiếp cận người giàu để lừa đảo
Siêu sân bay 20 tỷ USD chìm dần xuống biển, chuyên gia nỗ lực tìm biện pháp ‘giải cứu’ trong vô vọng