Sức hút của BRICS
Vào tháng 7/2023, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cho biết nước này mong muốn gia nhập BRICS và thậm chí đã dành một khoản 1,5 tỷ USD để đóng góp cho Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm - động thái “mua vé” tham gia nhóm.
Indonesia (quốc gia đông dân thứ tư thế giới) và Nigeria (nền kinh tế lớn nhất châu Phi) cũng đang cân nhắc tham gia. Theo thống kê, có khoảng 15 quốc gia hiện đã phát tín hiệu muốn gia nhập khối này. Sức hút của BRICS đến từ đâu?
Lợi ích kinh tế
mở rộng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gần đây đã gây chú ý trên toàn cầu. BRICS ban đầu bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Vào đầu năm nay, khối đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong 15 năm qua, BRICS đã phát triển từ một tổ chức về đầu tư thành một nền tảng chính trị cho hợp tác liên chính phủ với tham vọng mang lại cho khu vực Nam bán cầu nhiều ảnh hưởng hơn trong các vấn đề thế giới. Sự mở rộng của khối này được so sánh với Mỹ và G7, nhưng các nhà lãnh đạo BRICS cho biết họ không nhằm mục đích trở thành đối trọng với các nền kinh tế giàu có.
Các quốc gia thành viên BRICS đại diện cho các nền kinh tế đang phát triển với tiềm năng tăng trưởng to lớn hơn nữa. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Trong khi tăng trưởng kinh tế ở châu Âu đang chậm lại, các nước BRICS mang đến những cơ hội hợp tác và phát triển mới.
Giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cũng là một yếu tố quan trọng. Một số quốc gia có mục tiêu giảm phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào các nước phương Tây. Sự phát triển của các thị trường mới là một lợi ích đáng kể khác. Tư cách thành viên BRICS có thể mở ra những thị trường và cơ hội đầu tư mới, giúp đa dạng hóa nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một hoặc một số đối tác thương mại.
Tư cách thành viên của BRICS cũng sẽ cho phép gia tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Phát triển quan hệ thương mại với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ mở ra những chân trời mới cho các nhà sản xuất và xuất khẩu các quốc gia thành viên.
Tiếp cận công nghệ mới là một khía cạnh quan trọng khác. Hợp tác với các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, Ấn Độ có thể giúp tiếp cận được các công nghệ và đổi mới tiên tiến, tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế trọng điểm.
Hy vọng xoay chuyển trật tự thế giới?
BRICS được cho là nền tảng do Bắc Kinh và Moscow dẫn dắt nhằm đối trọng với áp lực địa chính trị từ Washington. Tuy nhiên, việc bổ sung một số quốc gia là bước phát triển đáng kể trong bối cảnh có hơn 60 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8/2023.
Trong vài năm qua, đã có một khoảng trống lớn trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở thế giới phương Tây, cùng với việc Mỹ không còn mặn mà với các hiệp định thương mại tự do đa phương kể từ thời chính quyền Donald Trump, đã tạo ra sự vắng mặt đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế và lãnh đạo toàn cầu nói chung.
Mặt khác, có sự thiếu hụt niềm tin giữa các quốc gia ở Nam bán cầu đối với bất kỳ quốc gia nào trong việc dẫn đầu hoặc đại diện cho lợi ích của mình. Điều này đã tạo ra một môi trường trong đó nhiều cường quốc khu vực đại diện cho lợi ích quốc gia và đôi khi là khu vực của họ. Cùng với đó là việc ngày càng có nhiều diễn biến mới trên toàn cầu khiến các quốc gia nhận thức rõ ràng về trật tự thế giới đang thay đổi.
Đại dịch Covid-19 là một trong những vấn đề như vậy. Các quốc gia lớn và nhỏ đều mất cảnh giác trong cuộc tranh giành để tiếp cận nguồn nhân lực và nguồn lực cần thiết như khẩu trang, thiết bị bảo hộ cá nhân và bình oxy cũng như các loại thuốc rất cần thiết. Lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Ấn Độ thời điểm đó đã nhanh chóng cung cấp vaccine và vật tư y tế cho các quốc gia ở Nam bán cầu.
Trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp ngoại trưởng BRICS tại Nam Phi vào ngày 1/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã mô tả sự tập trung quyền lực kinh tế hiện nay là “khiến quá nhiều quốc gia rơi vào tay quá ít quốc gia”. Đó là một quan điểm gây được tiếng vang khắp thế giới đang phát triển và vai trò của BRICS trong xoay chuyển trật tự đó đã được đề cập đến, dù chưa rõ ràng.
Một hệ thống tài chính thay thế
Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), với tên gọi khi đó là Ngân hàng Phát triển BRICS, được thành lập, có trụ sở chính tại Thượng Hải, nhằm trao cho các thành viên BRICS nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các nguồn tài trợ phát triển và đưa ra giải pháp thay thế cho các tổ chức do Mỹ dẫn dắt như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Ý tưởng xây dựng “BRICS pay” - hệ thống thanh toán cho các giao dịch giữa các BRICS mà không cần phải chuyển đổi nội tệ sang USD đã nhen nhóm từ đó. Tuy nhiên, 9 năm sau khi NDB được thành lập, ngân hàng phát triển này vẫn phụ thuộc phần lớn vào đồng USD. Trên toàn cầu, đồng bạc xanh chiếm tới 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương.
Các cuộc thảo luận về đồng tiền riêng của BRICS đã trở nên sôi nổi trong những tháng gần đây. Hồi tháng 2, đa số các nước BRICS đều ủng hộ ý tưởng thành lập cơ chế thanh toán tài chính quốc tế độc lập cũng như việc từ bỏ đồng USD và chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ của các nước thành viên. Theo Watcher.guru, kế hoạch đầy tham vọng này đang có những tiến triển khi đồng tiền chung BRICS có thể sẵn sàng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi tài chính toàn cầu vào năm 2024.
Trong tháng này, các thành viên BRICS là Nga và Iran tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng đồng tiền BRICS ngay trong ngày ra mắt và loại bỏ đồng USD trong giao dịch.
Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Nga - châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi có trụ sở tại Johannesburg cho rằng, các sáng kiến phi USD của BRICS không nhằm mục đích thay thế đồng bạc xanh, mà để tạo ra các lựa chọn thay thế, tạo thuận lợi cho thương mại song phương bằng đồng nội tệ.
Chuyên gia De Carvalho nhận định còn lý do khác để cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Đó là có thể tăng cường đòn bẩy của các quốc gia đang phát triển, đóng vai trò như một “công cụ bổ sung” khi đưa ra “các quyết định lớn xung quanh việc tài trợ phát triển và vai trò của các tổ chức như IMF”.
Nói tóm lại, BRICS, theo một số nhà phân tích, không tìm cách thay thế đồng USD, mặt khác muốn các loại tiền tệ thay thế và các lựa chọn giao dịch mới. Khối đang tìm cách đưa ra một loạt các lựa chọn kinh tế và ngoại giao song song cho các quốc gia thay vì cố gắng tích cực thoát ly hẳn mô hình do Mỹ dẫn dắt.
Quốc gia Đông Nam Á kêu gọi Trung Quốc hậu thuẫn tham vọng gia nhập BRICS
BRICS tiết lộ thời điểm công bố hệ thống thanh toán riêng thay thế SWIFT