Tại sao 500.000 đến 600.000 điện thoại xịn không sử dụng được 5G?
Hiện nay, người dân có máy điện thoại hỗ trợ 5G đã có thể sử dụng mạng 5G. Tuy nhiên, có những trường hợp người dùng không thể kết nối được với mạng 5G ở nhà hoặc tại nơi làm việc.
Mới đây, mạng 5G đã được Viettel triển khai thương mại hóa tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sau thời gian ngắn trải nghiệm và tiến hành đo tốc độ cho thấy chất lượng kết nối của mạng 5G chưa thực sự vượt trội hơn 4G. Thậm chí có những trường hợp người dùng không thể kết nối được mạng 5G ở nhà hoặc tại nơi làm việc, trong quá trình sử dụng có hiện tượng mạng 5G và 4G chập chờn xen kẽ.
Ngày 24/10, các chuyên gia mạng lưới của Viettel đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này. Theo ông Hoàng Đức Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) cho biết, hiện nay 5G đang được Viettel tập trung triển khai tại thủ phủ các tỉnh, thành phố lớn. Do vậy, số trạm BTS 5G chưa tương đương 4G.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho biết thêm, khi thực hiện đo ở trạm chỉ có một số thiết bị thực hiện tốc độ 5G có thể lên tới 300-400-500Mbps. Tuy nhiên, con số này cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí đo, server định tuyến và số lượng người dùng đang đồng thời trải nghiệm.
Ông Thanh nói: “Khi chỉ một người sử dụng ứng dụng Speedtest để đo tốc độ thì toàn bộ tài nguyên của trạm 5G dành cho một thuê bao duy nhất. Nếu cùng thời điểm có nhiều người test thì xảy ra hiện tượng có thuê bao được cấp tài nguyên nhiều hơn thuê bao khác, dẫn đến cảm giác về tốc độ chỉ tương đương 4G".
Bên cạnh đó, vấn đề khách hàng sử dụng điện thoại “xịn” nhưng không thể sử dụng 5G cũng được ông Thanh giải thích. Ông cho biết, điện thoại được “xách tay” từ nước ngoài về thường bị khóa công nghệ, không hỗ trợ mạng 5G ở Việt Nam. Ông thông tin thêm, có khoảng 500.000 đến 600.000 máy gặp phải tình trạng này.
Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu Hoàng Đức Thanh - Ảnh: T.H |
Lý giải thêm, Phó Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel, bà Nguyễn Thị Tâm cho biết, những phần mềm đo tốc độ phổ biến như Speedtest (của Ookla) và i-SPEED (của Bộ Thông tin và Truyền thông) có thuật toán tự động lựa chọn những server gần nhất để test.
Bà cũng cho biết thêm, có những trường hợp tốc độ kiểm tra thấp liên tục, việc này có thể do hệ thống 5G bị lỗi. Vì vậy, bà mong nhận được phản hồi của khách hàng để kỹ thuật viên tiến hành kiểm tra và xử lý.
Trước đó, vào sáng 15/10, Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương mạng 5G sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 mHz.
Viettel đã công bố 11 gói cước trả trước và 8 gói cước trả sau dành cho khách hàng cá nhân. Khách hàng sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G có thể sử dụng ngay mà không còn đổi sim.
Đối với khách hành doanh nghiệp, Viettel đã công bố hơn 130 user cases là các ứng dụng và giải pháp dành cho các tổ chức thuộc lĩnh vực Smart city, Sản xuất công nghiệp, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và Logistics, Y tế, Giáo dục, Năng lượng. Các giải pháp này tích hợp các công nghệ cloud, AI, IoT trên nền tảng 5G có khả năng kết nối với mật độ cực lớn.