Tại sao bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước?
Luật Căn cước đã chính thức được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trong Luật Căn cước nêu rõ các trường thông tin thay đổi thể hiện trên thẻ căn cước bao gồm ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Như vậy, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, những thông tin về quê quán, vân tay đã bị lược bỏ, không được thể hiện trên thẻ căn cước.
Chia sẻ với VOV, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) cho biết, việc bỏ thông tin quê quán và thay vào đó là thông tin về nơi đăng ký khai sinh nguyên nhân là do nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ cá nhân nào và có tính ổn định cao.
Ông cho biết thêm, quê quán thì chỉ là nơi mà người dân khai và người dân cũng chưa có quy trình để xác định xem quê quán đó có chính xác hay không.
Ông lấy ví dụ, có những người sinh ra ở Hà Nội nhưng quê bố mẹ, ông bà lại ở địa phương khác thì quê quán ghi ở địa phương khác. Vì vậy, những thông tin này có thể gây khó khăn cho quá trình thu thập thông tin và đối sánh để xác định một công dân nào đó.
Về vấn đề loại bỏ dấu vân tay, ông cho biết, hiện dữ liệu vân tay đã được tích hợp trong chip cho nên việc in dấu vân tay trên bề mặt thẻ không còn quan trọng nữa.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực. Theo đó, chứng minh nhân dân sẽ chính thức bị khai tử từ ngày 1/1/2025, kể cả trường hợp trên thẻ vẫn còn thời hạn.
Trường hợp công dân được cấp căn cước công dân trước ngày 1/7/2024 sẽ vẫn có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên thẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp công dân muốn thực hiện đổi từ căn cước công dân sang thẻ căn cước dù chưa hết hạn, lực lượng chức năng sẽ tiếp nhận hồ sơ để cấp căn cước mới cho công dân.
Khi đó, người dân chỉ cần mang thẻ căn cước cũ đến cơ quan để làm thủ tục đăng ký cấp thẻ căn cước mới.
Ngoài trường hợp thẻ căn cước công dân hết hạn buộc phải đổi sang thẻ căn cước thì căn cứ theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 24 Luật Căn cước 2023, những trường hợp sau bắt buộc phải đổi từ căn cước công dân sang thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024. Cụ thể:
- Thẻ căn cước công dân bị hư hỏng không còn sử dụng được
- Công dân thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng
- Công dân xác định lại giới tính, quê quán
- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân
- Bị mất thẻ Căn cước công dân
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam
>>Cất thẻ căn cước trong bọc ni-lông có nguy cơ bị hỏng chip, thậm chí có thể bị xử phạt