Tài chính Ngân hàng

Tại sao nhà đầu tư toàn cầu đang quay lưng với tài sản trú ẩn an toàn nhất thế giới?

Hoàng Hiếu 14/04/2025 19:51

Trái phiếu chính phủ Mỹ đang bị bán tháo chưa từng có, khi nhà đầu tư quốc tế nghi ngờ sự ổn định của nền kinh tế số 1 thế giới giữa căng thẳng leo thang.

Niềm tin vào Mỹ đang rạn nứt?

Trái phiếu chính phủ Mỹ – vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn nhất thế giới – đang đối mặt với làn sóng bán tháo chưa từng thấy, khi giới đầu tư quốc tế bắt đầu nghi ngờ tính ổn định và đáng tin cậy của nền tài chính số một thế giới.

Kể từ cuối tháng 3/2025, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt từ 4,01% lên tới 4,58% – mức biến động mạnh hiếm thấy trên một thị trường vốn nổi tiếng ổn định. Diễn biến này cho thấy dòng tiền đang rút khỏi một trong những "pháo đài tài chính" lâu đời nhất toàn cầu.

Trong suốt nhiều thập kỷ, trái phiếu Mỹ luôn là nơi trú ẩn của nhà đầu tư mỗi khi thị trường biến động – bởi chính phủ Mỹ luôn được kỳ vọng sẽ trả nợ đầy đủ và đúng hạn, bất kể khủng hoảng tài chính, chiến tranh hay thiên tai. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump khơi mào với Trung Quốc đang làm đảo lộn niềm tin ấy.

“Cả thế giới đang đi đến kết luận rằng chính phủ Mỹ không còn kiểm soát được tình hình”, Mark Blyth – chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại học Brown – nhận định. Theo ông, trái phiếu Mỹ đang từ “tài sản không biến động theo tin tức” trở thành “tài sản rủi ro”.

Thực tế cho thấy, chính quyền Trump đã phải tạm hoãn nhiều mức thuế mới trong 90 ngày sau khi thị trường trái phiếu phản ứng tiêu cực. Tổng thống Trump thừa nhận, các nhà đầu tư “đã bắt đầu cảm thấy bất an” – và thị trường đã ép ông phải thay đổi chính sách.

Nỗi lo càng lớn khi Trung Quốc – chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ với khoản nắm giữ lên đến 761 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ – bị nghi ngờ có thể đang âm thầm bán ra để trả đũa chính sách thuế leo thang từ Washington. Nếu Bắc Kinh thực sự hành động, điều đó sẽ không chỉ gây sức ép lên lợi suất mà còn làm lung lay vị thế đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đã liên tục cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ kể từ đầu năm 2024. Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang tái cơ cấu danh mục, chuyển tài sản sang vàng hoặc hệ thống lưu ký tại châu Âu để tránh bị Mỹ giám sát – nhưng cũng không loại trừ khả năng nước này đang dùng trái phiếu như một công cụ gây áp lực chính trị và kinh tế.

Tại sao nhà đầu tư toàn cầu đang quay lưng với tài sản trú ẩn an toàn nhất thế giới?
Kể từ cuối tháng 3/2025, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt từ 4,01% lên tới 4,58% – mức biến động mạnh hiếm thấy trên một thị trường vốn nổi tiếng ổn định.

>> Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, liệu Trung Quốc có bán tháo tài sản an toàn nhất thế giới để đáp trả thuế quan?

Hậu quả lan rộng toàn nền kinh tế: Từ nơi trú ẩn thành tâm điểm rủi ro?

Khi nhà đầu tư ồ ạt bán trái phiếu, chính phủ Mỹ buộc phải tăng lãi suất để thu hút người mua – kéo theo mặt bằng lãi suất toàn nền kinh tế đi lên. Điều này khiến người dân Mỹ phải trả nhiều hơn cho các khoản vay thế chấp, mua nhà, mua xe hay tiêu dùng qua thẻ tín dụng. Doanh nghiệp cũng chịu áp lực tài chính lớn hơn, buộc phải thắt lưng buộc bụng hoặc cắt giảm nhân sự.

“Chỉ cần chi phí vốn tăng, mọi doanh nghiệp đều phải truyền áp lực đó sang khách hàng hoặc cắt giảm quy mô”, ông Brian Rehling, Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định tại Wells Fargo Investment Institute nhận định.

Ngoài ra, các quỹ đầu cơ cũng đang tháo chạy khỏi các giao dịch phức tạp liên quan đến chênh lệch giá trái phiếu và lãi suất. Điều này càng làm tăng thêm sự bất ổn trong một thị trường vốn được kỳ vọng là trụ cột ổn định của tài chính toàn cầu.

Trái phiếu Mỹ từng là nơi trú ẩn mặc định trong khủng hoảng. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 – dù Mỹ chính là tâm chấn – dòng tiền vẫn đổ mạnh vào trái phiếu kho bạc vì tính thanh khoản cao và mức độ tin cậy tuyệt đối. Nhưng hiện tại, sự ổn định đó đang bị thách thức nghiêm trọng bởi chính sách thương mại thiếu nhất quán, khó đoán từ Nhà Trắng.

Theo nhà kinh tế Sarah Bianchi thuộc Evercore ISI, ngay cả khi Mỹ đảo ngược hoàn toàn các chính sách thuế, thị trường cũng chưa chắc khôi phục được niềm tin: “Khi vấn đề là sự mất niềm tin sâu rộng, thì những giải pháp kỹ thuật có thể không còn đủ”.

Trong khi Tổng thống Trump vẫn tỏ ra lạc quan, khẳng định “Tôi đã giải quyết vấn đề này rất nhanh. Tôi rất giỏi chuyện này”, giới chuyên gia thì thận trọng hơn. “Nếu trái phiếu Mỹ không còn là nơi giữ tiền đáng tin cậy, thì đâu mới là nơi thay thế?”, ông Rehling đặt vấn đề.

Đồng euro được xem là ứng cử viên tiềm năng thay thế vai trò "trái phiếu tiêu chuẩn" toàn cầu. Nhưng sự bảo thủ tài khóa của Đức khiến nguồn cung trái phiếu châu Âu vẫn hạn chế. Trong khi đó, Trung Quốc với đồng nhân dân tệ vẫn chưa đủ minh bạch và ổn định để trở thành nơi cất giữ tài sản an toàn.

“Có thể lúc này, thế giới đang cần một thứ gọi là ‘trái phiếu của lý trí’ – nếu châu Âu phát hành, rất nhiều người sẽ nhảy vào mua”, ông Blyth nhận định.

Cho đến khi điều đó xảy ra, thị trường tài chính toàn cầu có lẽ sẽ phải làm quen với một thực tế mới: chính pháo đài tưởng chừng vững chắc nhất – trái phiếu Mỹ – giờ lại là tâm điểm rủi ro.

Nguồn: The New York Times, France 24, AP

>> Nắm giữ gần 760 tỷ USD ‘tài sản an toàn nhất thế giới’, Trung Quốc sẽ kích hoạt ‘vũ khí’ tài chính?

Nắm giữ gần 760 tỷ USD ‘tài sản an toàn nhất thế giới’, Trung Quốc sẽ kích hoạt ‘vũ khí’ tài chính?

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, liệu Trung Quốc có bán tháo tài sản an toàn nhất thế giới để đáp trả thuế quan?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-sao-nha-dau-tu-toan-cau-dang-quay-lung-voi-tai-san-tru-an-an-toan-nhat-the-gioi-286662.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tại sao nhà đầu tư toàn cầu đang quay lưng với tài sản trú ẩn an toàn nhất thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH