Tại sao nhiệt độ không quá cao nhưng ngột ngạt, nóng nực cả ngày? Chuyên gia chỉ ra điều nhiều người chưa biết
Những ngày này, dù nhiệt độ ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc không quá cao nhưng chúng ta luôn cảm thấy khó chịu, ngột ngạt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 12/6, nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng, nền nhiệt dao động khoảng 35 đến 36 độ C, có một số nơi còn vượt ngưỡng 36 độ C. Không chỉ vậy, các ngày 13-14/6, nhiều tỉnh, thành phía Bắc vẫn có nắng nóng gay gắt kèm độ ẩm khá thấp. Thậm chí, vào ngày 14-15/6, khu vực từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận, nắng nóng vẫn xuất hiện và thậm chí nhiều nơi còn có nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao phổ biến là từ 36 đến 39 độ C.
Đón đợt nắng sau chuỗi ngày mưa liên tiếp, nhiều người đã cảm thấy không khí ngột ngạt và vô cùng khó chịu dù nền nhiệt chưa tăng cao hẳn. Nhiều người thắc mắc tại sao nhiệt độ không quá cao nhưng chúng ta vẫn cảm thấy khó chịu, kể cả buổi tối.
Lý giải tình trạng này, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho biết, áp suất khí quyển (khí áp) ở Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận có chiều hướng giảm xuống so với khí áp thông thường, tốt cho sức khỏe. Việc khí áp giảm xuống tạo nên cảm giác nóng nực, ngột ngạt, khiến chúng ta cảm thấy khó chịu dù nền nhiệt không quá cao.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cũng khuyến cáo người dân: "Giai đoạn này cũng là giai đoạn gần Hạ Chí nên thời gian chiếu sáng của mặt trời dài nhất trong năm. Chính vì vậy những người già, trẻ em và người nhạy cảm với các yếu tố thời tiết hạn chế ra ngoài trời nắng". Theo lời tiến sĩ Huy, các gia đình cũng không nên tiêu thụ quá nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm để tránh quá tải, đảm bảo an toàn mùa nắng nóng.
Áp suất khí quyển giảm xuống chỉ là nguyên nhân chính khiến chúng ta cảm thấy nóng bức, ngột ngạt dù nhiệt độ không quá cao. Ngoài ra, những người ở thành phố thường cảm thấy nóng nực là do hiệu ứng đô thị. Đây là hiện tượng khu vực đô thị có nhiệt độ cao hơn khu vực ngoại ô do mật độ dân cư cao, nhiều tòa nhà cao tầng và lượng khí thải lớn. Các tòa nhà cao tầng hấp thụ nhiệt từ mặt trời và cản trở gió lưu thông khiến cho không khí trong thành phố nóng hơn. Lượng khí thải từ xe cộ và các hoạt động công nghiệp cũng góp phần làm tăng nhiệt độ và độ ẩm trong thành phố.
Mùa hè thường xuất hiện những cơn gió nóng. Dù không phải lúc nào tình trạng này cũng diễn ra nhưng chúng ta vẫn cảm thấy nóng nực và khó chịu hơn. Một số yếu tố sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch, rối loạn tuyến giáp... cũng có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn bình thường. Ngoài ra, cảm giác nóng nực và ngột ngạt cũng có thể do tâm lý. Khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc mệt mỏi, ta sẽ dễ cảm thấy nóng hơn bình thường.
Để cảm thấy bớt nóng bức, ngột ngạt trong ngày nắng, chúng ta nên lưu ý một vài điều quan trọng. Chúng ta nên giữ thói quen uống nhiều nước để cơ thể đủ nước và thanh lọc tốt hơn. Việc mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, trưng dụng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, hạn chế ra ngoài trời nắng nóng, tránh vận động mạnh khi nền nhiệt tăng cao... cũng giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe của chính mình. Ngoài ra, chúng ta nên bổ sung các loại trái cây, rau xanh chứa nhiều nước và vitamin, đảm bảo ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái.