Tăng trưởng thần tốc, một ngành mũi nhọn của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới
Trong năm 2025, ngành này có tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi những thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU phục hồi kinh tế.
Theo thông tin từ cuộc họp báo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, ngành dệt may Việt Nam dự kiến cán mốc xấp xỉ 44 tỷ USD trong lĩnh lực xuất khẩu, so với năm trước tăng gần 11%.
Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam có khả năng trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu dệt may.
Trong năm 2024, ngành dệt may của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng như vậy là nhờ đón được sóng dịch chuyển đơn hàng. Cụ thể, trong quý 1 và 2 năm 2024, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát, bất ổn chính trị; nhu cầu dệt may không tăng, đơn hàng tiếp tục là những đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu về chất lượng và thời gian giao hàng rất khắt khe;...
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2024, tình hình bất ổn chính trị xảy ra tại một số thị trường là đối thủ của ngành dệt may Việt Nam, điển hình như Bangladesh. Do đó, khách hàng chuyển hướng đặt hàng từ Bangladesh sang Việt Nam.
Trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, kiêm người phát ngôn Vinatex cho biết: “Nếu như Việt Nam tăng trưởng gần 11% thì Ấn Độ tăng khoảng 7%, Trung Quốc trong 11 tháng tăng khoảng 0,2%, Bangladesh trong 10 tháng giảm khoảng 3,7% so với cùng kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ tăng dưới 5%”.
Ảnh minh họa - Nguồn: ITN |
Trong năm 2025, thị trường dệt may có tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi những thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, các thị trường thuộc EU nhằm mục đích ứng phó với các vấn đề khẩn cấp liên quan đến khí hậu từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang thắt chặt tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD).
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập sâu và có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường tiềm năng, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh là việc làm thiết thực. Điều này không chỉ giúp dệt may Việt Nam củng cố vị thế trên trường quốc tế mà còn là xu thế trong thế kỷ 21 nhằm bảo vệ môi trường.
Trong năm 2025, về xuất khẩu dệt may nói chung, Vinatex nghiên cứu về dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm tới đạt 850 tỷ USD. Riêng xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 có thể đạt 45,5 – 46 tỷ USD, so với năm nay tăng 5 – 6%.
Năm 2025 được xác định là kỷ nguyên mới của Vinatex, kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước và dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex đặt mục tiêu phát triển bền vững cả 4 trụ cột môi trường – xã hội – quản trị và tài chính (ESGF); có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt để sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa khoa học, hiện đại và truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước, hướng đến người lao động.