'Taxi bay' giá hơn 8 triệu đồng cho 20 phút
Dịch vụ này sẽ cung cấp giải pháp thay thế nhanh hơn và an toàn hơn so với phương tiện giao thông công cộng truyền thống.
AFP đưa tin, Moviation - công ty khởi nghiệp hàng không của Hàn Quốc - vừa ra mắt dịch vụ taxi trực thăng, hay còn gọi là “taxi bay" đầu tiên tại nước này.
Dịch vụ này sẽ giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ Jamsil (Seoul, Hàn Quốc) đến sân bay quốc tế Incheon từ gần 2 tiếng xuống còn 20 phút.
Với mức phí một chiều là 440.000 won/người (khoảng 8,1 triệu đồng), dịch vụ có tên "Vonaer" sẽ hoạt động mỗi giờ một chuyến trong thời gian thử nghiệm kéo dài 6 tháng.
Hàn Quốc chính thức ra mắt dịch vụ "taxi bay". Ảnh: AFP |
Được biết, taxi bay này có thể đạt tốc độ lên đến 200 km/h và 160 km/h khi bay qua các khu vực đô thị ở Seoul. Dịch vụ cung cấp các chuyến đi cho hành khách đặt chỗ trực tuyến thông qua ứng dụng trên smartphone.
Shin Min, CEO của công ty khởi nghiệp Moviation, cho biết: “Sắp tới, công ty dự định tăng mạng lưới dịch vụ và rút ngắn thời gian cho các tuyến hành trình, đặt mục tiêu giảm giá vé xuống 300.000 won/người để cung cấp dịch vụ cho công chúng rộng rãi hơn”.
Dự kiến công ty cũng sẽ mở rộng dịch vụ này đến các khu vực khác trên cả nước, với chuyến đi một chiều từ Seoul đến tỉnh Busan có giá 18 triệu won (khoảng 330 triệu đồng).
CEO Shin khẳng định trực thăng của công ty rất an toàn và đội ngũ phi công đều có kinh nghiệm, đồng thời lưu ý rằng các tuyến đường có thể bị đình chỉ do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tỷ lệ xảy ra vào khoảng 30% trong năm.
Trong những năm gần đây, các công ty Hàn Quốc khác đều đang để mắt tới thị trường “taxi bay” hay còn gọi là di chuyển hàng không đô thị (UAM).
Phương tiện này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho người tham gia giao thông. Ảnh: AFP |
Năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Hàn Quốc là SK Telecom đã giới thiệu một chiếc taxi bay được họ phát triển cùng với công ty khởi nghiệp Joby Aviation của California (Mỹ).
Hãng hy vọng phương tiện này sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố của Hàn Quốc với chi phí thấp.
Lai giữa trực thăng và thiết bị bay không người lái, chiếc taxi bay này có 6 động cơ điện cho phép nó cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Lee Seok-keon, trưởng nhóm kinh doanh UAM của SK Telecom, chia sẻ: “SK Telecom đã phát triển hệ thống quản lý lưu lượng UAM dựa trên công nghệ AI của riêng mình để thương mại hóa UAM thành công”.
Công ty đang lên kế hoạch trình diễn taxi bay vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thị trường UAM hiện vẫn còn mới mẻ ở Hàn Quốc, nên các công ty có thể phải đối mặt với những rào cản pháp lý do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải nước này đặt ra.
>> Trung Quốc 'chơi lớn' với hạ tầng ô tô bay, quyết tâm dẫn đầu ngành công nghiệp mới nổi