Tết “rẻ” hay “đắt”?

14-01-2023 09:35|Quốc Anh

Tết Nguyên đán là dịp Tết cổ truyền vô cùng quan trọng đối với người Việt Nam cũng như người dân nhiều quốc gia châu Á, điển hình như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Việt Nam.

Tùy theo từng nền văn hóa mà người ta gọi năm sau là năm con Mèo hay năm con Thỏ. Nhưng dù là mèo hay thỏ thì chắc chắn một điều, Tết là dịp mà người dân nhiều nước chi tiêu mạnh tay nhất trong năm.

Tết năm 2021, khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa nghiêm ngặt, không thăm hỏi trực tiếp được, thì người ta hay mừng tuổi nhau qua ứng dụng lì xì trên điện thoại. Ngân hàng DBS của Singapore năm ấy đã thống kê, mới mùng 2 Tết mà số tiền người dân Singapore mừng tuổi nhau qua ứng dụng đã lên tới 1,5 triệu USD - tương đương hơn 35 tỷ VNĐ.

Mà không phải chỉ có tiền mừng tuổi. Tết đến sẽ sinh ra các khoản chi cho đồ ăn, quần áo, đồ trang trí nhà cửa, chị em thì có mỹ phẩm son phấn, rồi giải trí, vui chơi, du lịch. Danh sách chi tiêu này cộng với tình hình lạm phát cao kỷ lục ở nhiều quốc gia trong năm vừa rồi đủ để làm nhiều người phải đau đầu suy nghĩ xem làm thế nào để có thể ăn Tết đầy đủ mà vẫn vừa túi tiền?

Người dân Trung Quốc hào hứng mở ví chi khủng dịp Tết

Sau ba năm trong đó có tới hai cái Tết im ắng vì đại dịch COVID-19, thì Tết Quý Mão mà người Trung Quốc gọi là năm con Thỏ, được cho là dịp người dân bung sức tiêu tiền. Đầu tiên phải kể tới mảng du lịch.

Theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc được trích dẫn bởi hãng Reuters, từ 7/1 đến 15/2 sẽ có khoảng 2 tỷ chuyến đi lại, du lịch được ghi nhận tại Trung Quốc. Tức là gần như gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vẫn kém một chút so với trước đại dịch.

Thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ hàng hóa dịch vụ rất lớn, nhưng ba năm dịch bệnh khiến sức mua ấy bị dồn nén. Nên việc Bắc Kinh mở cửa đúng vào dịp trước Tết Nguyên đán được cho là sẽ tạo cơ hội để người dân không chỉ du lịch, mà còn giải trí, mua sắm, buôn bán bù lại cho những năm trước.

Tết “rẻ” hay “đắt”?

Đèn lồng đỏ đủ kích cỡ, câu đối, dây đèn nhấp nháy và những móc treo hình con thỏ - biểu tượng của năm mới 2023 theo truyền thống của người Trung Quốc - ngập tràn tại các khu bán đồ Tết ở thành phố Nghĩa Ô.

Sau khi đã sắm sửa đồ trang trí Tết, điểm tiêu tiền tiếp theo của người dân chính là các hàng quán và trung tâm thương mại - những nơi đã được hoạt động lại khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ. Lượng khách trong tuần đầu của tháng 1 đã đạt mức trung bình cao nhất của các năm trước khi dịch bùng phát. Đối với các mặt hàng xa xỉ như vàng và trang sức cũng chứng kiến lượng khách tăng vọt dịp cuối năm.

Trong ba năm Trung Quốc quy định hạn chế ra xuất nhập cảnh để chống dịch, nhiều địa phương đã thay đổi chính sách để thúc đẩy chi tiêu khiến nhiều người tiêu dùng đổ đến đảo Hải Nam, nơi được miễn thuế đối với hàng xa xỉ của Trung Quốc để mua sắm các mặt hàng cao cấp. Theo Bloomberg, xu hướng ưu tiên nội địa cũng lan sang cả lĩnh vực du lịch bởi người dân sẽ lại được đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm xa cách.

Lạm phát ảnh hưởng tới tiêu dùng ngày Tết tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, giá xăng dầu tăng liên tục kể từ ngày 1/1. Để đi lại thoải mái trong tháng Tết có thể mất thêm 80 đến 120 USD tiền đổ xăng so với tháng trước.

Không chỉ xăng dầu, mà cả giá thực phẩm cũng đi lên. Năm nay để chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày Tết âm lịch của một gia đình 4 người tại Hàn Quốc trung bình hết khoảng hơn 200 USD - tương đương gần 5 triệu VNĐ. So với năm ngoái, như vậy giá thực phẩm tại Hàn Quốc đã tăng tới 5,8% trong dịp Tết này.

Tết “rẻ” hay “đắt”?

Để hỗ trợ người dân đón Tết, Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ chi 23,5 triệu USD và cùng với các doanh nghiệp bán lẻ có biện pháp để bình ổn giá các loại thực phẩm chính. Đối với 16 mặt hàng thực phẩm được mua sắm nhiều trước Tết, chính phủ nước này cũng sẽ nỗ lực tăng cường nguồn cung.

Còn tại Singapore, mỗi hộ gia đình đều có thể đăng ký nhận phiếu giảm giá mua hàng trị giá 300 SGD dịp Tết này. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ người dân trong thời kỳ bão giá.

Ở Việt Nam, người dân mạnh tay săn sale dịp cận Tết

Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm đồng nghĩa việc từ cách đây cả tháng, nhiều sản phẩm thuộc danh mục hàng Tết đã được áp dụng chiết khấu để kích cầu.

Cận Tết là thời điểm bùng nổ mua sắm của người tiêu dùng Việt. Với quan niệm “làm cả năm để chi tiêu cho mấy ngày Tết”, mọi người thường tích cóp tiền và đi mua sắm vào những ngày này như một hình thức xả hơi, tự thưởng cho bản thân sau một năm vất vả. Ngoài ra, sự quan trọng của ngày Tết truyền thống cũng khiến người tiêu dùng tăng nhu cầu mua sắm cuối năm, để có cái Tết đủ đầy cùng gia đình, người thân, bạn bè.

Thị trường bán lẻ dần lấy lại đà tăng tốc và được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2022 ước đạt 515,8 ngàn tỷ đồng, tăng 3.7% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 ngàn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước.

Tết “rẻ” hay “đắt”?

Từ những tín hiệu tích cực của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ đã có những tính toán để có kế hoạch kinh doanh phù hợp đón mùa mua sắm rộn ràng cuối năm.

Hiện nay, tại các hệ thống siêu thị đã có các ưu đãi từ 15 - 30% với các mặt hàng thực phẩm, bao gồm thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây,..), thực phẩm sơ chế hoặc đã qua chế biến (bánh chưng, bánh tét, giò chả,..), thực phẩm khô (đồ hộp, các loại hạt, bánh kẹo, nước giải khát…), các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình và nhiều mặt hàng thời trang như sản phẩm thời trang nam/ nữ/ trẻ em, áo dài với nhiều màu sắc nổi bật theo mốt.

Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu biếu tặng quà nhân dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, các chuỗi siêu thị, các cửa hàng bán lẻ cũng đã bày bán sản phẩm giỏ quà. Khách hàng có thể mua sắm đầy đủ các mặt hàng quà Tết truyền thống như bánh kẹo hộp, bánh kẹo nhập khẩu, thức uống, bên cạnh đó là giỏ trái cây, sản phẩm thực phẩm chức năng, theo xu hướng quà tặng chăm sóc sức khỏe đang ngày càng thịnh hành tại Việt Nam.

Lạ 'chưa từng có', mai anh đào bất ngờ nở rộ khắp Đà Lạt giữa nắng hè tháng 4

Vị vua Việt đầu tiên lên ngôi nhờ thi cử: Là một trong những người sống thọ và trị vì lâu nhất, có vợ được nhân dân tôn là Thần

Lưu ý tình huống tài xế làm cả đoàn xe 'chôn chân' trên cao tốc dịp 30/4 và 1/5

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tet-re-hay-dat-165957.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tết “rẻ” hay “đắt”?
POWERED BY ONECMS & INTECH