Thành phố đắt đỏ nhất châu Á có chi phí xây dựng lên tới 114 triệu đồng/m2
Theo công ty tư vấn Turner & Townsend, chi phí xây dựng trung bình của thành phố này trong năm nay dự kiến sẽ tăng 4,8% lên 4.500 USD/m2.
SCMP đưa tin, Hồng Kông (Trung Quốc) đã vượt qua Tokyo để trở thành thành phố có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất tại châu Á.
Nguyên nhân là tình trạng thiếu hụt lao động hậu đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề khan hiếm công nhân lành nghề trong một xã hội già hóa, khiến giá xây dựng tăng cao.
Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn bất động sản Turner & Townsend, chi phí xây dựng trung bình của thành phố này trong năm nay dự kiến sẽ tăng 4,8% lên 4.500 USD/m2 (khoảng 114 triệu đồng).
Điều này đã đẩy Hồng Kông từ vị trí thứ 11 năm 2023 lên vị trí thứ 9 trong số 91 thành phố có chi phí xây dựng tốn kém trên toàn cầu năm nay. Vị trí đầu tiên thuộc về New York (Mỹ) với giá 5.723 USD/m2 và San Francisco (Mỹ) ở vị trí thứ 2 với 5.489 USD/m2.
Những thị trường xây dựng đắt đỏ nhất châu Á năm 2024. Nguồn: SCMP |
Tuy nhiên, Hồng Kông không phải là khu vực duy nhất thiếu hụt công nhân xây dựng có tay nghề cao. Hiện có tổng cộng 72 thị trường - tương đương 79,1% số thành phố được khảo sát - đã báo cáo tình trạng thiếu lao động.
Thành phố Ma Cao, cách Hồng Kông chưa đầy 1 giờ đi thuyền, đứng thứ 12 trên toàn cầu vì lạm phát 3,5% có thể đẩy chi phí xây dựng của thành phố lên 4.269 USD/m2.
Sumit Mukherjee, trưởng bộ phận bất động sản châu Á của Turner & Townsend, cho biết: “Vào năm 2024, chúng tôi nhận thấy các xu hướng nhất quán trên khắp châu Á nhằm đối phó với sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc”.
Ông nói thêm: “Sự dịch chuyển tiến gần hơn đến thị trường nội địa, nhằm giảm thiếu tác động từ đà suy thoái của Trung Quốc, đang tạo ra cơ hội và tăng trưởng đáng kể khi các thị trường châu Á khác đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất tiên tiến”.
Công trình trên cao tại một công trường ở khu văn hóa Tây Cửu Long (Trung Quốc) vào ngày 17/4/2024. Ảnh: Eugene Lee |
Chính quyền thành phố Hồng Kông từ lâu đã nhận thức được vấn đề già hóa lực lượng lao động và đang đẩy mạnh chương trình bổ sung, đào tạo hơn 24.000 công nhân xây dựng bán lành nghề từ năm 2009 - 2016.
Điều đó giúp hạ độ tuổi trung bình trong ngành xuống 46 vào năm 2017, từ mức 50 tuổi vào năm 2013.
Cũng trong bảng xếp hạng châu Á của Turner & Townsend, 5 trong số những thành phố tốn kém nhất để xây dựng là ở Nhật Bản. Các chuyên gia bình luận, con số này phản ánh bong bóng bất động sản đang căng thẳng như thế nào dưới sức ép của dân số già và tình trạng thiếu lao động kéo dài của quốc gia.
Tokyo đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, tiếp theo là Sapporo ở đảo Hokkaido, Osaka, Hiroshima và Fukuoka ở miền Nam Nhật Bản.
>> 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với lao động nước ngoài