Thành phố giàu nhất Việt Nam đối diện nguy cơ ‘chìm dần’, sụt lún đất nền có nơi đạt tốc độ 8cm/năm
Nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng sụt lún đất nền tại thành phố giàu nhất cả nước đang ở mức nghiêm trọng.
Vừa qua, tại TP. HCM đã diễn ra hội thảo “Thực trạng vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế tại TP. HCM” do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM tổ chức vào ngày 8/11. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về tình trạng sụt lún của thành phố trong nhiều năm qua.
Theo một nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học tại Singapore, Mỹ và Thụy Sĩ cùng Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, TP. HCM là một trong hai thành phố có mức độ sụt lún cao nhất trong số 48 thành phố được nghiên cứu qua hình ảnh vệ tinh.
TP. HCM có tốc độ sụt lún tăng nhanh. Ảnh: Báo Thanh Niên |
Còn theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng sụt lún đất nền ở TP. HCM đã xảy ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy khoảng 1m, tốc độ lún dao động từ 2-5 cm/năm. Đặc biệt, tại những khu vực tập trung các công trình thương mại, tốc độ sụt lún có thể lên tới 7-8 cm/năm.
Quan trắc vào năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy TP. HCM vẫn tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất nền. Ngoài huyện Bình Chánh, các khu vực như quận 8, quận 12 đã bị sụt lún trong nhiều năm qua, thành phố còn xuất hiện các vùng lún mới tại TP. Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Phú Nhuận, quận 6, quận Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.
Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún đất nền, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nhuận - chuyên gia thuộc Phòng đo đạc, bản đồ và viễn thám, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, những khu vực có nền địa chất yếu sẽ dễ bị sụt lún với tốc độ cao (trên 10mm/năm). Bên cạnh đó, các khu vực có mật độ giao thông cao, với các phương tiện giao thông tải trọng lớn, cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Một nguyên nhân khác là tác động của các công trình dân dụng như các tòa cao ốc và chung cư trong quá trình thi công. Đặc biệt, với lượng dân cư đông đúc, nhu cầu về nước sinh hoạt và sản xuất rất lớn, dẫn đến nhu cầu khai thác nước ngầm cao, gây sụt giảm mực nước ngầm và làm đất lún xuống. Hiện nay, thành phố đã hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm và chỉ cho phép khai thác ở mức thấp, có sự kiểm soát nghiêm ngặt.
>> TP sụt lún nhanh nhất ĐBSCL ban hành quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tình trạng sụt lún nền đất kết hợp triều cường gây ngập lụt tại TP.HCM. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường |
Từ năm 2019, TP. HCM đã triển khai dự án "Xác định lại cao độ hệ thống mốc độ cao bị sụt lún trên địa bàn TP. HCM" nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, triều cường và tình trạng sụt lún. Căn cứ vào 23 mốc cao độ hạng II do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp để khôi phục và xác định lại giá trị cao độ mới trong hệ thống mốc độ cao hạng IV của thành phố. Đồng thời, thành phố cũng triển khai xây dựng 4 điểm mốc độ cao thế kỷ tại các khu vực quận 12, Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh từ năm 2022, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, tình trạng sụt lún đất nền kết hợp với triều cường và mực nước biển dâng làm gia tăng nguy cơ TP. HCM "chìm dần", gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.
Để giảm tình trạng sụt lún trên diện rộng, TP. HCM cần triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng quy hoạch đô thị và giảm khai thác nước ngầm. Đặc biệt, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống giám sát và dự báo tình hình sụt lún, từ đó đưa ra các phương án đối phó phù hợp.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm. |