Vĩ mô

Thành phố giàu nhất Việt Nam nỗ lực 200% trong 50 ngày đêm chuẩn bị cho thời khắc lịch sử của tuyến metro đầu tiên

Phúc Lam 29/10/2024 - 11:28

Quyết tâm vận hành trong năm 2024, TP.HCM đang nỗ lực để hoàn thành những hạng mục cuối cùng của dự án này.

Từ ngày 1/10 – 17/11/2024, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vận hành thử tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sau một thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên Công ty HURC1.

Quá trình vận hành thử được chia thành hai giai đoạn với 47 kịch bản khác nhau, giai đoạn 1 được chủ trì bởi các chuyên gia tư vấn NJPT của Nhật Bản và giai đoạn 2 được thực hiện bởi nhân viên của Công ty HURC1.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, phải chính thức đưa tuyến metro số 1 vào vận hành trong năm 2024. Do đó, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã phát động đợt thi đua cao điểm “50 ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ đưa tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên vận hành chính thức trong năm 2024”.

Thành phố giàu nhất Việt Nam nỗ lực 200% trong 50 ngày đêm chuẩn bị cho thời khắc lịch sử của tuyến metro đầu tiên
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Theo Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, ông Phan Công Bằng cho biết, hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành việc thi công, lắp đặt thiết bị trên hiện trường, đào tạo lái tàu và nhân viên vận hành.

Công tác thi công hiện trường cơ bản đã dứt điểm, chỉ còn vài hạng mục nhỏ đang được các nhà thầu thi công, đến 31/10 dự kiến hoàn thành lắp đặt thiết bị.

Ngoài ra, những công việc như nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, chạy thử, đăng kiểm,... cũng đang được đơn vị triển khai.

Ông Bằng chia sẻ “Ban Quản lý Đường sắt TP.HCM đang nỗ lực hoàn thành tất cả các công việc trước ngày 15/12, đảm bảo vận hành tuyến metro số 1 trong năm 2024. Khối lượng công việc hiện tại còn rất nhiều, chúng tôi cần có đợt thi đua để tất cả viên chức, người lao động nỗ lực, làm việc 200% năng suất để giải quyết”.

Metro số 1 có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,2km trên cao. Toàn tuyến có 14 nhà ga với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng vốn đầu tư là 43.700 tỷ đồng.

Được khởi công từ năm 2012, dự kiến đưa vào khai thác sau 6 năm nhưng trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề như chậm giải ngân vốn, nhiều sự cố kỹ thuật phát sinh, khó khăn nhân sự, Covid-19 đã khiến dự án nhiều lần trễ hẹn.

Dự án này khi được triển khai được kỳ vọng đem đến phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân từ khu trung tâm đến cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Ngoài ra, công trình này cũng đóng vai trò then chốt, là cơ sở phát triển các tuyến metro khác, giảm thiểu ùn tắc và góp phần kết nối đô thị dọc tuyến.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm.

>>Dòng vốn ODA từ Nhật Bản - Lực đẩy cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng của giao thông Việt Nam

Tại sao đường sắt tốc độ cao Bắc Nam không kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam nỗ lực để đón ‘đại bàng làm tổ’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thanh-pho-giau-nhat-viet-nam-no-luc-200-trong-50-ngay-dem-chuan-bi-cho-thoi-khac-lich-su-cua-tuyen-metro-dau-tien-256667.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành phố giàu nhất Việt Nam nỗ lực 200% trong 50 ngày đêm chuẩn bị cho thời khắc lịch sử của tuyến metro đầu tiên
    POWERED BY ONECMS & INTECH