Vĩ mô

Vì sao Ngọc Hồi, Thủ Thiêm được chọn là 2 ga đầu mối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?

Phúc Lam 23/10/2024 - 17:08

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là một dự án quan trọng đã được nghiên cứu trong gần hai thập kỷ qua, đóng vai trò là bước ngoặt không chỉ cho hệ thống giao thông mà còn cho cả nền kinh tế của Việt Nam.

Toàn tuyến sẽ có 23 ga khách với cự ly trung bình 67km và 5 ga hàng với các đầu mối hàng hóa. Điểm khởi đầu của toàn tuyến là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Ga Ngọc Hồi

Ga Ngọc Hồi được lựa chọn là ga đầu mối đường sắt tốc độ cao Bắc Nam thay vì ga Hà Nội nằm ở trung tâm nội đô, nơi có mật độ dân cư và nhu cầu đi lại lớn.

Nguyên nhân của lựa chọn này là do ga Hà Nội hiện nay không đủ diện tích để xây dựng ga đầu mối. Cụ thể, quỹ đất tại ga Hà Nội chỉ còn khoảng 14ha, chỉ đủ để bố trí nhà ga, đường đón gửi tàu và không thể bố trí xây dựng quảng trường, cơ sở sửa chữa, bãi đỗ tàu,...

Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ quanh ga Hà Nội có quy mô nhỏ. Cụ thể, đường Trần Hưng Đạo có quy mô 4 làn xe, đường Lê Duẩn, đường Trần Quý Cáp có quy mô 2 làn xe. Vì vậy không còn dư địa để mở rộng thêm nữa.

Ga Ngọc Hồi sẽ được tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia có diện tích quy hoạch khoảng 250ha. Khu vực Ngọc Hồi đã được quy hoạch hệ thống giao thông kết nối đồng bộ và hệ thống xe buýt, quảng trường để xe taxi,..

Dự kiến đến năm 2050, có khoảng 170.000 hành khách/ngày đêm có nhu cầu về ga Ngọc Hồi. Trong đó, nhu cầu hành khách đi vào trung tâm chiếm khoảng 27% và đi đến các quận, tỉnh thành khác chiếm khoảng 73%.

Với nhu cầu trên, phương án khai thác hỗn hợp đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đoạn từ ga Ngọc Hồi đến ga Hà Nội cũng đã được tính toán. Theo đó, tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi di chuyển qua ga Hà Nội sẽ tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển vào nội đô.

Vì sao Ngọc Hồi, Thủ Thiêm được chọn là 2 ga đầu mối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Ga Thủ Thiêm

Bên cạnh đó, ga Thủ Thiêm được chọn là ga đầu mối đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vì hiện nay, quỹ đất tại ga Hòa Hưng chỉ còn khoảng 17ha. Cùng với đó, hệ thống đường bộ xung quanh gồm đường Cách mạng tháng Tám có quy mô 4 làn xe, đường Nguyễn Phúc Nguyên, Trần Văn Đang, Nguyễn Thông có quy mô 2 làn xe. Vì vậy, ga Hòa Hưng cũng không thích hợp để xây dựng ga đầu mối.

Ga Thủ Thiêm được tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, quy mô dự kiến khoảng 17ha. Đến năm 2050, dự kiến có khoảng 137.000 hành khách/ngày đêm có nhu cầu về ga Thủ Thiêm. Trong đó, khoảng 30% hành khách có nhu cầu di chuyển vào trung tâm và 70% di chuyển đến các quận huyện và tỉnh thành khác.

Xung quanh khu vực ga Thủ Thiêm có metro số 2 và số 10, đường sắt nội vùng Thủ Thiêm - Long Thành, hệ thống đường vành đai, quốc lộ và xe buýt,... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi muốn di chuyển đến những địa điểm khác.

Trên toàn tuyến, ga hành khách sẽ bao gồm ba khu vực chức năng chính. Trước tiên là khu vực trực tiếp phục vụ hành khách và bãi đỗ xe sẽ có diện tích khoảng từ 6-8ha.

Tiếp đến là khu vực dịch vụ và thương mại với diện tích khoảng từ 10-15ha, sẽ phục vụ các hoạt động kinh doanh và tiện ích cho hành khách khi sử dụng tàu.

Cuối cùng là khu vực đô thị dịch vụ với diện tích lớn nhất khoảng 250-300ha nhằm phát triển các khu vực đô thị mới gắn với nhà ga, trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực.

>>Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được bao nhiêu tiền?

Sắp diễn ra thời khắc lịch sử quan trọng của siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Thành phố giàu nhất Việt Nam đề xuất vận hành đường sắt đô thị theo mô hình Tổng công ty của Trung Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-ngoc-hoi-thu-thiem-duoc-chon-la-2-ga-dau-moi-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-255375.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao Ngọc Hồi, Thủ Thiêm được chọn là 2 ga đầu mối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH