Thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có thêm 14 khu công nghiệp, quy mô gần 4.000ha
Các dự án này sẽ được triển khai theo ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 2025 và kéo dài đến 2033, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp mới, hiện đại, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ngày 9/5, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. HCM (HEPZA) phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời giới thiệu các giải pháp thu hút đầu tư cho năm 2025.
Theo quy hoạch mới, TP. HCM giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp hiện hữu, nhưng sẽ chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Các khu chế xuất và khu công nghiệp sẽ được tái cấu trúc thành khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao, khu công nghiệp kết hợp đô thị - dịch vụ hoặc trung tâm logistics.
Hiện nay, TP. HCM có 5 khu công nghiệp gồm Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu đang được chọn làm thí điểm chuyển đổi.

Trong giai đoạn 2021-2030, thành phố cũng quy hoạch bổ sung 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 3.830ha.
Các dự án này sẽ được triển khai theo ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 2025 và kéo dài đến 2033, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp mới, hiện đại, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
>> Dự án đường vành đai hơn 120.000 tỷ lớn nhất Đông Nam Bộ có chuyển động mới
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn TP. HCM sớm công bố cụ thể danh mục ngành nghề được ưu tiên thu hút đầu tư cũng như các chính sách ưu đãi tại các khu công nghiệp sau chuyển đổi.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đặt ra yêu cầu cao về quy hoạch diện tích cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và tiện ích xã hội trong mô hình công nghiệp mới. Riêng với các khu công nghiệp quy mô lớn, nhu cầu điện được xác định ở mức khoảng 4.500MW và nhu cầu nước dao động từ 15.000-20.000m3/ngày.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan cho rằng sau hơn ba thập niên phát triển, công nghiệp thành phố đã đến ngưỡng giới hạn, khi nguồn lao động, trình độ quản trị và nền tảng công nghệ đều bộc lộ dấu hiệu lạc hậu. Để duy trì sức cạnh tranh và đà tăng trưởng, công nghiệp TP. HCM buộc phải thay đổi toàn diện.
Tính đến quý I/2023, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 20,1% GRDP của thành phố. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào các khu công nghiệp và khu chế xuất lại sụt giảm mạnh.
Từ đầu năm đến 11/3, tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh chỉ đạt gần 87 triệu USD, tương đương 14,46% kế hoạch năm và giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực trạng này, lãnh đạo thành phố yêu cầu 17 khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu phải chủ động xây dựng đề án chuyển đổi mô hình hoạt động, từng bước thúc đẩy doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chuyển sang sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP.HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
>> Tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư 259 dự án, quy mô hơn 850.000 tỷ