Thế khó của ngành công nghiệp điện tử: Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường, tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 5-10%
Theo Bộ Công Thương, thị trường điện - điện tử dân dụng của Việt Nam hiện nay vẫn do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
Bộ Công Thương vừa cho biết về tình hình sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong 7 tháng năm 2024. Theo đó, một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2023 là: bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS) dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu tự động, máy phụ trợ của chúng và thiết bị viễn thông, tăng 23,3%; bộ phận của máy tính, máy tính tiền, máy đóng dấu miễn cước bưu phí, máy bán vé và các máy tương tự, có gắn với bộ phận tính toán (trừ máy bán hàng, máy ATM và các máy tương tự), tăng 8,37%.
Doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường điện tử Việt Nam. |
Trong khi đó, một số sản phẩm có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: ống camera truyền hình; bộ chuyển đổi hình ảnh và bộ tăng cường hình ảnh; ống đèn âm cực quang điện khác, giảm 4,75%...
Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in... Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi, tuy nhiên thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.
Cơ quan này cho rằng để có thể tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử khối EU.
Ngoài ra, để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, giới chuyên gia cho rằng cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…). Đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
Đặc biệt, ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển khi sở hữu được nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực...
Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit... Điểm đặc biệt là Việt Nam là quốc gia có an ninh chính trị ổn định. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này đã và đang tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn.
Các tập đoàn/công ty trong lĩnh vực công nghiệp điện tử về công nghệ trên thế giới chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và thành công khi đầu tư tại Việt Nam. Việc đầu tư có thể thực hiện theo hình thức liên doanh, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam hay đầu tư 100% vốn nước ngoài và không có bất cứ quy định hạn chế hay điều kiện đầu tư với lĩnh vực công nghiệp điện tử (các điều kiện đầu tư chủ yếu liên quan đến dự án dịch vụ).
Mặt khác, phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu. Do vậy đây cũng được xem là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra khu vực và thế giới.
Đây cũng là lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển. Các dự án nghiên cứu phát triển đang được ưu đãi đặc biệt và có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam khi Việt Nam có đủ khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tạo rất nhiều ưu đãi cho đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
Cụ thể, ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Việt Nam cũng đặc biệt ưu tiên cho các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.