Vĩ mô

Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có

Hoàng Yến 16/07/2024 17:38

Mới đây, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố báo cáo cập nhật diễn biến của thị trường trái phiếu Chính phủ cũng như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong quý II vừa qua. Các số liệu cho thấy thị trường vẫn đang gặp phải khá nhiều khó khăn.

TPDN: Gần như không có nhóm sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ở mức 11,2% GDP. So với các nước trong khu vực như Malaysia (53,6% GDP), Thái Lan (26,7% GDP), quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khá nhỏ.

Dự nợ TPDN chiếm khoảng 8,4% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, giảm 0,5 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2023. Dư nợ TPDN cuối quý II/2024 giảm nhẹ 3% so với thời điểm cuối năm 2023, ở mức trên 1.17 triệu tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có

Trong quý II/2024, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng giá trị phát hành; và 84 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 88.719 tỷ đồng, chiếm 97,3%.

Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có

Trái với quý I, hoạt động phát hành trong quý II đã trở nên sôi động hơn nhiều với sự tăng vọt về phát hành của nhóm ngân hàng và bất động sản. Chuyên gia nhận định nguyên nhân có thể đến từ hoạt động tín dụng của ngân hàng cải thiện và nhu cầu bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn. Trong quý II vừa qua, gần 67.800 tỷ đồng TPDN đến hạn thanh toán.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II tăng 138% lên 91.219 tỷ đồng. Phần lớn trái phiếu được phát hành thuộc nhóm ngân hàng với 68.546 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị phát hành.

Có thể thấy hoạt động phát hành trên thị trường TPDN vẫn còn nhiều khó khăn khi lượng phát hành từ những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất hay hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần như không có. Hầu hết các đợt phát hành đến từ các ngân hàng thương mại.

Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có

78% TPDN pháthành trong quý II/2024 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm. Lợi suất phát hành bình quân ở mức 6,62%/năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 3,66 năm.

Lãi suất phát hành trong quý II đi xuống ở hầu hết các nhóm ngành so với cùng kỳ năm trước, lãi suất bình quân giảm 3,17 điểm phần trăm. So với quý I/2024, lãi suất phát hành cũng hạ nhiệt ở tất cả các nhóm ngành trừ nhóm bất động sản. Theo chuyên gia, đây là diễn biến khá bất ngờ khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng lên trong quý II, cùng với đó là nhu cầu phát hành để bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn trong quý.

Trong quý II/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn là 41.011 tỷ đồng, giảm 51,3% so với cùng kỳ 2023. Giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm là 139.765 tỷ đồng; trong đó 58.782 tỷ đồng là trái phiếu bất động sản, tương đương 42%; 16% là trái phiếu ngân hàng, trị giá 22.498 tỷ đồng.

Giá trị TPDN chậm trả lãi, gốc mới trong quý II/2024 ở mức 11.362 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý I/2024. Phần lớn trái phiếu chậm trả lũy kế từ tháng 11/2022 đến nay là trái phiếu bất động sản, chiếm 63% tổng giá trị chậm trả.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 265.456 tỷ đồng trong quý II/2024, bình quân đạt 4.352 tỷ đồng/ngày, tăng 17,6% so với quý I/2024. Phần lớn giá trị giao dịch thuộc về các trái phiếu của nhóm ngân hàng. Trong top 10 tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong quý II, nhóm ngân hàng góp 6 đại diện.

Chênh lệch với TPCP Mỹ vẫn còn cao nhưng đã thu hẹp

Về trái phiếu Chính phủ (TPCP), trong quý II/2024, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 60 đợt đấu thầu TPCL với tổng giá trị gọi thầu là 140.500 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu là 76.274 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 54,3%.

Tổng giá trị trúng thầu trong 6 tháng đầu năm tương đương 39,1% kế hoạch cả năm (400.000 tỷ đồng), trong đó khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành quý II đạt khoảng 63,6% kế hoạch (120,000 tỷ đồng).

Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có
Nguồn: VBMA

Trong quý II, giá trị trúng thầu trái phiếu Chính phủ tập trung ở kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lần lượt ở mức 20.500 tỷ đồng, và 40.966 tỷ đồng. Kỳ hạn 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt trúng thầu 9.935 tỷ đồng, 2.800 tỷ đồng và 2.072 tỷ đồng. Kỳ hạn 7 năm không trúng thầu. Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục không gọi thầu kỳ hạn 3 năm dù mục tiêu phát hành kỳ hạn này trong năm 2024 là 30.000 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có

Theo phòng chào giá VBMA Outright, lợi suất TPCP cuối quý II/2024 ở tất cả các kỳ hạn đều tăng so với cuối quý I/2024. Cụ thể, lợi suất các kỳ hạn dưới 5 năm tăng mạnhtừ 164-296 điểm,lợi suất các kỳ hạn lớn hơn 10 năm theo đà tăng 138-158 điểm, kỳ hạn 7 năm nhích thêm 66 điểm so với quý trước.

Đáng chú ý, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ-Việt Nam vẫn còn cao nhưng đã thu hẹp trong quý II giữa bối cảnh đà tăng chỉ số giá PCE lõi tháng 5 của Mỹ chậm lại còn 2.6%, nhu cầu tiêu dùng giảm, cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng vào tháng 6 đã góp phần hạ nhiệt lạm phát Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vẫn nhấn mạnh Fed cần quan sát thêm các dữ liệu kinh tế và lo ngại việc cắt giảm lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát tăng tốc trở lại.

Trong nước, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu xuyên suốt quý II và bán lượng lớn USD nhằm hạn chế đà tăng của tỷ giá USD/VND. Động thái hút tiền trên hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với sự cải thiện của nhu cầu tín dụng trong quý II đã góp phần nâng lãi suất liên ngân hàng ở quý này. Cụ thể, lãi suất qua đêm (ON), 1W, 2W, 3M và 6M cao hơn 107-218 điểm cơ bản (đcb) so với cuối quý trước. Lãi suất kỳ hạn 1M và 9M tăng khoảng 77-97 đcb. Tuy nhiên, NHNN được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ổn định nhằm hỗ trợ đồng nội tệ, kích thích tăng trưởng tín dụng, và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Ở thị trường Repo, lãi suất giao dịch theo phòng chào giá VBMA tăng mạnh khoảng 162-179 điểm ở các kỳ hạn dưới 3 tháng, tăng từ 53-102 điểm ở các kỳ hạn còn lại.

>> Tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 181.000 tỷ đồng

'Vua trái phiếu' Bill Gross: Tesla hiện đang hoạt động như một cổ phiếu rác

Hơn 110.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 6 tháng đầu năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-quy-ii-ngan-hang-chiem-toi-75-gia-tri-phat-hanh-doanh-nghiep-san-xuat-gan-nhu-khong-co-242179.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thị trường trái phiếu quý II: Ngân hàng chiếm tới 75% giá trị phát hành, doanh nghiệp sản xuất gần như không có
POWERED BY ONECMS & INTECH