Xét về địa thế thì nơi đây quả là đặc biệt, bởi vì nó là nơi cuối của dãy núi Trường Sơn và sông Cửu Long.
Nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy
Thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang là một nơi rất đặc biệt. Sở dĩ nơi đây được gọi là “Gò Công” là bởi xưa kia có rất nhiều chim công, người Khmer gọi là Aih Amrak (nghĩa là con công), người Việt gọi theo tiếng Hán Việt là “Khổng Tước khâu”, sau này gọi là Gò Công.
Người xưa có câu “đất lành chim đậu”, hẳn Gò Công phải là vùng đất đặc biệt nên mới có nhiều chim tìm về đến vậy. Xét về địa thế thì nơi đây quả là đặc biệt, bởi vì nó là nơi cuối của dãy núi Trường Sơn và sông Cửu Long.
Dãy Trường Sơn xuất phát từ cao nguyên Thanh Tạng, qua Vân Nam, Thượng Lào rồi vào miền Trung Việt Nam, kéo dài đến miền Nam và kết thúc ở Gò Công. Gò Công có sông Tiền Giang, chính là một nhánh sông Cửu Long, bắt nguồn từ Tây Tạng đi qua 6 nước là Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, điểm cuối đổ ra biển ở Cửa Đại và Cửa Tiểu (đều thuộc Gò Công). Chính vì thế, Gò Công là nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy.
Ở Gò Công có một cái gò hình dạng như mai rùa, gọi là “Giồng Sơn Quy”, người dân vẫn quen gọi là Gò Rùa. Có một truyền thuyết nói rằng nước Gò Rùa mỗi lần thay đổi thì ắt có nhân vật đặc biệt nào đấy vừa xuất sinh hay có biến cố lớn.
Quê hương bà hoàng quyền lực nhất nhà Nguyễn
Tương truyền, năm 1810, nước ở Gò Rùa bỗng trở nên rất ngọt. Dân chúng lấy làm lạ liền gánh nước về uống và thấy nước càng ngày càng ngọt, uống vào thì thấy người khỏe ra. Cây cối quanh Gò Rùa cũng trở nên xanh tốt bất thường. Từ đó trong dân gian có câu ca:
"Điềm lành tuôn nước ngọt ngào,
Lại thêm phước đức vun cao Gò Rùa."
Cũng vào thời điểm đó, phu nhân ông Phạm Đăng Hưng - người có công khai khẩn đất Gò Công đã hạ sinh được cô con gái, đặt tên là Phạm Thị Hằng.
Ông Phạm Đăng Hưng có mời các thầy địa lý về xem giúp thế đất phong thủy mà tổ tiên ở Gò Rùa. Các thầy địa lý thời đó cho rằng Gò Rùa là nơi rất tốt, tuy nhiên phía sau gò trống trải, hai bên không có gì ôm che nên chỉ hưng vượng được một đời chứ không truyền đời. Đồng thời, các thầy địa lý dựa vào cuộc đất Gò Rùa mà cho rằng họ Phạm sẽ phát về phái nữ từ lúc trẻ đến trung niên, hậu vận trắc trở và buồn lo.
Cô con gái ông Hưng là Phạm Thị Hằng lúc thiếu thời thích đọc sách, thông kinh sử và có lòng hiếu thảo. Nghe tiếng con gái của Phạm Đăng Hưng đoan trang lại hiếu thảo, Thuận Thiên Cao hoàng hậu (đời vua Gia Long) liền cho gọi vào cung năm 14 tuổi. Nhận thấy Phạm Thị Hằng đoan trang đức độ, Thuận Thiên Cao hoàng hậu liền tác thành cho cháu nội của mình là Nguyễn Phúc Miên Tông .
Sau này Nguyễn Phúc Miên Tông lên ngôi vua, hiệu là Thiệu Trị. Nhờ có lễ nghĩa, Phạm Thị Hằng được phong làm Quý phi. Bà sau này chính là Đức Từ Dụ hoàng thái hậu.
Đầu năm 1847, vua Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm hầu hạ thuốc thang không nghỉ. Khi nhà vua gần mất, vua Thiệu Trị dụ các quan về điều tiếc nuối của mình: “Quý phi là nguyên phối của trẫm, là người phúc đức hiển minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi”.
Vua Thiệu Trị qua đời, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, tức vua Tự Đức. Chồng mất, bà dốc sức dạy dỗ, bảo ban con. Bà thường nhắc đến công đức và những lời nói cũng như việc làm của các bậc tiền nhân để răn dạy con. Hằng đêm bà thường đọc sách giảng giải cho vua Tự Đức nghe. Bà dạy vua cách trị vì, điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân. Mỗi khi vua Tự Đức có lỗi, bà thường dùng roi và lời lẽ nghiêm trị để giáo huấn nghiêm khắc. Nhờ đó mà Tự Đức trở thành một ông vua thông minh, chí hiếu, hiền hòa, ưa thích ngâm thơ, vịnh phú, có tài xuất khẩu thành thơ, văn chương lưu loát.
Năm 1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà được sắc phong làm Hoàng thái hậu, hiệu là Từ Dụ. Nguyên nghĩa: “Từ” là tình thương của người trên đối với kẻ dưới (vì thế mà trong nhà người mẹ còn được gọi là Từ); “Dụ” là giàu có, đầy đủ, khoan thai...
Năm 1859, cây cối ở Gò Rùa đang xanh tươi bỗng đột nhiên héo, nước giếng đang rất ngọt bỗng trở nên mặn suốt một tuần. Đúng lúc đó, quân Pháp chiếm được Gia Định, mở đầu thời kỳ suy tàn của nhà Nguyễn trước sự xâm lăng của quân Pháp.
Đúng như lời các thầy địa lý, đất ở Gò Rùa chỉ phát một đời và hậu vận buồn lo. Khi về già, Từ Dụ hoàng thái hậu không được vui vì người con trai duy nhất là vua Tự Đức còn mất trước cả bà mà lại không có người nối dõi. Việc quân Pháp xâm lăng cũng khiến Hoàng tộc chia rẽ, bà phải chứng kiến bi kịch của các đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái. Tuy bà vẫn ngồi trên ngôi cao nhưng không thể làm được gì nhiều.
Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn
Bên cạnh Từ Dụ hoàng thái hậu, Gò Công cũng là quê của hoàng hậu Nam Phương. Bà sinh năm 1914 ở Gò Công, con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt – người giàu nhất miền Nam thời bấy giờ.
Từ 12 tuổi, bà Nam Phương đã đi du học ở trường nữ sinh Couvent des Oiseaux tại Pháp. Cộng thêm nhan sắc chim sa cá lặn, bà càng thu hút mỗi khi xuất hiện. Vị Hoàng hậu gốc Gò Công này được ca ngợi là nhan sắc số một Việt Nam thời đó. Bà cũng từng 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương.
Trước vẻ đẹp của bà Nam Phương, ngay lần đầu gặp mặt vua Bảo Đại đã mê mẩn không ngừng. Hai người tổ chức đám cưới vào năm 1934, tại Huế. Năm ấy Nam Phương mới 19 tuổi, Bảo Đại 21 tuổi.
Tuy nhiên, số phận Nam Phương hoàng hậu cũng không khác nhiều so với bà Từ Dụ. Về cuối đời Nam Phương hoàng hậu phải sống ở làng Chabrignac tại Pháp. Các con lập gia đình và đi học xa nhà, bà Nam Phương phải sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Dù gia cảnh giàu có đầy đủ nhưng cuối đời bà lại ra đi một cách cô đơn. Nam Phương cũng chính là Hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn...