Chuyển động thị trường

Thiếu vắng ‘bom tấn’, VN-Index ngụp lặn dưới 1.300 điểm

Ánh Nguyệt 29/12/2024 - 09:01

Chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2024 biến động với sự vắng mặt của nhiều "tân binh" khiến dòng tiền vào thị trường trở nên dè dặt. Liệu những "bom tấn" lên sàn trong năm tới có giúp VN-Index vượt ngưỡng "chông gai" 1.300 điểm?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần khép lại một năm đầy biến động. VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng gần 12%, nhưng phần lớn đà tăng tập trung vào quý I, trong khi 3 quý còn lại thị trường gần như chỉ dao động trong biên độ hẹp với nhiều lần thất bại tại ngưỡng 1.300 điểm.

Năm 2024 cũng ghi nhận số lượng doanh nghiệp lên sàn thấp kỷ lục. Trên sàn HoSE, chỉ có 10 mã cổ phiếu niêm yết mới, trong đó 3 “tân binh” lần đầu chào sàn gồm Gạch Royal (RYG), Chứng khoán DNSE (DSE) và Cảng Quy Nhơn (QNP). Bên cạnh đó, 7 mã cổ phiếu khác chuyển từ UPCoM sang HoSE, bao gồm Nam Á Bank (NAB), Chứng khoán DSC (DSC), Chứng khoán Thành Công (TCI), Điện lực Gelex (GEE), Sữa Mộc Châu (MCM), Viettel Post (VTP) và Thủy điện Hủa Na (HNA). Tổng khối lượng niêm yết mới đạt gần 2,55 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 25.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX chỉ đón nhận 2 cổ phiếu mới là Tập đoàn Giáo dục Trí Việt (CAR) và Vận tải Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (PTX) với tổng khối lượng niêm yết khiêm tốn 11,5 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ chỉ đạt 115 tỷ đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp mới, hàng loạt cổ phiếu đã bị hủy niêm yết hoặc chuyển sàn do kết quả kinh doanh không khả quan và vi phạm quy định công bố thông tin. HoSE chứng kiến 10 cổ phiếu bị hủy niêm yết, trong đó có những cái tên nổi bật như Xây dựng Hòa Bình (HBC), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Thép Pomina (POM) và Nhựa Đông Á (DAG). Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lớn như Đức Long Gia Lai (DLG) và Vietnam Airlines (HVN) hiện cũng đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết trong thời gian tới nếu không cải thiện tình hình tài chính.

Tương tự, trên sàn HNX, 14 cổ phiếu đã hủy niêm yết trong năm, cùng 2 cổ phiếu dự kiến rời sàn vào cuối năm 2024. Trong đó, trường hợp đặc biệt là Than Cọc Sáu (TC6) và Than Đèo Nai (TDN) đã hủy niêm yết để hoán đổi thành cổ phiếu của công ty hợp nhất Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV, đánh dấu một bước đi trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp ngành than.

Trái ngược với sự rút lui, thị trường UPCoM đón nhận 26 cổ phiếu chuyển đến cùng 23 cổ phiếu đăng ký giao dịch mới, nâng tổng số cổ phiếu gia nhập sàn lên 50 trong năm 2024. Tuy nhiên, sự bổ sung này chủ yếu là từ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với dòng tiền lớn.

vn_index.jpg.png
VN-Index gặp khó tại mốc kháng cự 1.300 điểm

Chờ đợi tiếng cồng niêm yết từ 6 “bom tấn” sàn UPCoM trong năm 2025

Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là thời điểm bùng nổ của những "bom tấn" trên sàn UPCoM khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn chuyển niêm yết sang HoSE, mở ra cơ hội gia nhập rổ VN30. Theo dự báo từ Chứng khoán DSC, Top 6 cổ phiếu gồm BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), VGI (Viettel Global), ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam), MCH (Masan Consumer), MVN (VIMC) và VEA (VEAM) đều đang tạo nên sức hút đặc biệt nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội lớn góp mặt trong danh mục VN30.

Việc chuyển sàn từ UPCoM lên HoSE của các cổ phiếu này không chỉ cải thiện đáng kể tính thanh khoản mà còn mở ra cơ hội lớn thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF theo dõi VN30. Điều này có thể đẩy giá cổ phiếu tăng cao, đồng thời gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường lên mới nổi sẽ kích hoạt dòng tiền hàng tỷ USD, những "bom tấn" dự kiến lên sàn trong năm 2025 sẽ tạo cú hích mạnh mẽ, dẫn dắt VN-Index vượt qua mốc kháng cự cứng 1.300 điểm.

>> Cao điểm 1.300: Cột mốc 'chông gai' của VN-Index

Biến động nhân sự cấp cao tại Chứng khoán LPBank: 'Người cũ' SSI được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc

SSI - TCBS: Ngã ngũ cuộc đua ngành chứng khoán năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thieu-vang-bom-tan-vn-index-ngup-lan-duoi-1300-diem-268502.html
Bài liên quan
  • Thêm một công ty chứng khoán gia nhập cuộc đua tăng vốn lên gần 5.400 tỷ đồng
    Nếu huy động thành công, 90% số tiền thu về sẽ được công ty chứng khoán sử dụng cho vay margin và hoạt động tự doanh.
  • 6 hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán áp dụng từ 1/1/2025
    Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật quan trọng, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý thuế và các luật liên quan đến tài sản công, dự trữ quốc gia, thuế thu nhập cá nhân và xử lý vi phạm hành chính.
  • 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2025
    Hiện đại hóa công nghệ và tăng cường giám sát, xử lý vi phạm là hai trong tám nhiệm vụ trọng tâm mà ngành chứng khoán hướng tới trong năm 2025, nhằm phát triển thị trường minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thiếu vắng ‘bom tấn’, VN-Index ngụp lặn dưới 1.300 điểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH