Thu nhập sếp lớn ngân hàng: Có chủ tịch nhận 10 tỷ đồng/năm, nơi khác chỉ hơn tỷ
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) các ngân hàng thương mại cổ phần đã đi qua, tờ trình về thù lao cho hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm sát (BKS) của các ngân hàng được ĐHĐCĐ phê duyệt.
Mức chi thù lao cho HĐQT bao gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên HĐQT nhưng không bao gồm thành viên HĐQT kiêm thành viên ban điều hành bởi vị trí này (thông thường là tổng giám đốc) đã được hưởng lương từ ban điều hành.
Cách tính thù lao HĐQT và BKS cũng có sự khác biệt. Có ngân hàng đưa ra mức thù lao thực lĩnh cố định cũng có ngân hàng đưa ra con số cố định bao gồm thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS.
Thù lao lãnh đạo từ 4-9 tỷ/người/năm
Xét về thì tương lai, VPBank có thể là ngân hàng có mức chi thù lao cao nhất cho HĐQT và BKS.
Thù lao, thưởng và các lợi ích khác năm 2024 cho HĐQT và BKS VPBank tương đương 0,5% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng, tức 116 tỷ đồng nếu đạt kế hoạch. Tính bình quân, mức chi cho mỗi thành viên HĐQT và BKS sẽ lên tới 11,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức chi thực tế có thể sẽ thấp hơn nhiều nếu nhìn lại mức chi năm 2023. Với tổng ngân sách năm 2023 là 54 tỷ đồng (0,5% lợi nhuận trước thuế thực hiện) nhưng chi thực tế chỉ 28,2 tỷ đồng. Trong đó, chi thù lao chỉ 16,2 tỷ đồng và chi hoạt động 12 tỷ đồng. Tính trung bình thù lao cho mỗi thành viên HĐQT và BKS VPBank năm 2023 chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Đứng thứ hai về mức chi dự kiến năm 2024 là Sacombank. ĐHĐCĐ thống nhất thù lao thực lĩnh cho HĐQT và BKS là 106 tỷ đồng (nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, tương đương 1% lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024).
Như vậy, mặc dù cổ đông chờ đợi 9 năm chưa được nhận một đồng cổ tức nhưng mức thù lao bình quân của ông Dương Công Minh, các thành viên HĐQT và BKS có thể lên đến 10,6 tỷ đồng/người trong năm nay.
Ngân hàng SeABank cũng tỏ ra chi mạnh tay cho HĐQT và BKS khi tổng ngân sách thù lao và chi phí hoạt động cho năm 2024 là 100 tỷ đồng. Trong đó, thù lao và chi phí hoạt động của bà Nguyễn Thị Nga và các thành viên HĐQT là 80 tỷ đồng (trung bình 8 tỷ đồng/người), thù lao và chi phí hoạt động của BKS là 20 tỷ đồng (trung bình 6,6 tỷ đồng/người). Mức chi này tăng gần gấp 4 lần so với năm 2023.
Tại Ngân hàng ACB, ĐHĐCĐ chấp thuận mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2024 là 0,6% lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tương đương 105,6 tỷ đồng (nếu đạt kế hoạch lợi nhuận).
Như vậy, mức chi thù lao và chi phí khác bình quân năm 2024 của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy và các thành viên HĐQT – BKS là 8,8 tỷ đồng/người.
Lưu ý, mức ngân sách này trong năm 2023 là 80,99 tỷ đồng (trong khi phê duyệt 96,27 tỷ đồng).
Tại Nam A Bank, ngân sách hoạt động (thù lao, thưởng, các lợi ích và chi phí khác) cho HĐQT và BKS là 3% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm 2024, tương đương 60 tỷ đồng. Như vậy, mức chi bình quân cho mỗi thành viên sẽ là 6,66 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ Ngân hàng HDBank cũng đã phê duyệt tổng mức thù lao, phụ cấp của HĐQT và BKS năm 2024 tối đa bằng 0,5% lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và được tính vào chi phí hoạt động của năm.
Nếu hoàn thành chỉ tiêu, mức chi sẽ là 63 tỷ đồng, khi đó thù lao thực lĩnh bình quân cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo và các cộng sự là 5,72 tỷ đồng.
Riêng quỹ hoạt động của HĐQT năm 2024 là 25 tỷ đồng, được trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2023.
Tại LPBank, ngân sách dự chi thù lao cho Chủ tịch Nguyễn Đức Thuỵ và các thành viên HĐQT - BKS năm 2024 là 50 tỷ đồng. Tức thù lao bình quân cho mỗi thành viên lên đến 5,55 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức chi thực tế có thể thấp hơn đáng kể nếu theo cách chi của năm 2023 (thực chi 17,13 tỷ đồng trong khi ngân sách được phê duyệt là 50 tỷ đồng).
Tại VietBank, tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS trong năm 2024 là 40 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc chi bình quân cho mỗi thành viên lên tới 5 tỷ đồng.
Trong số các ngân hàng thuộc nhóm Big4, Vietcombank dẫn đầu với thù lao HĐQT và BKS năm 2024 tối đa 0,15% lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Ngân hàng chưa công bố kế hoạch lợi nhuận cụ thể vì còn đợi phê duyệt của NHNN.
Với kịch bản khiêm tốn nhất là lợi nhuận năm nay không thay đổi so với năm 2023, ngân sách chi trả thù lao cho HĐQT và BKS Vietcombank sẽ ở mức tối đa 49,54 tỷ đồng, tương đương bình quân 4,5 tỷ đồng/người.
Một ngân hàng khác trong nhóm Big 4 là VietinBank duyệt chi ngân sách thù lao năm 2024 của HĐQT và BKS tối đa bằng 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2024.
VietinBank cũng chưa công bố chính thức kế hoạch lợi nhuận cụ thể năm 2024 vì còn phải đợi phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Giả sử, trong kịch bản khiêm tốn nhất là lợi nhuận năm 2024 của nhà băng này không thay đổi so với năm trước, ngân sách thù lao cho HĐQT và BKS sẽ là 48,64 tỷ đồng, tương đương mức thù lao bình quân sẽ là 4,21 tỷ đồng/người.
Tuy nhiên, năm 2023, VietinBank cũng được ĐHĐCĐ thông qua tờ trình mức chi thù lao tối đa cho HĐQT và BKS tối đa bằng 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2023, nhưng mức chi thực tế chỉ 0,14% lợi nhuận sau thuế của năm.
Theo đó, thù lao cho các thành viên HĐQT là 15,746 tỷ đồng (tương đương thù lao bình quân 1,96 tỷ đồng/người) và thù lao cho các thành viên BKS là 3,855 tỷ đồng (tương đương thù lao bình quân 1,285 tỷ đồng/người). Riêng thu nhập của ban điều hành trong năm 2023 là 16,772 tỷ đồng (tương đương mức lương bình quân 2,096 tỷ đồng/người).
Tại Ngân hàng OCB, ĐHĐCĐ đã thông qua ngân sách thù lao, thưởng và các chi phí khác cho HĐQT và BKS trong năm 2024 mức tối đa lên đến 48 tỷ đồng, tăng gần 18 tỷ đồng so với năm trước.
Như vậy, mức chi bình quân cho mỗi thành viên HĐQT và BKS của OCB năm 2024 có thể lên đến 4,363 tỷ đồng/người.
Với Ngân hàng VIB, tổng ngân sách hoạt động cho HĐQT và BKS trong năm 2024 tối đa 0,25% lợi nhuận trước thuế năm 2024 của VIB, tương đương khoản ngân sách 30,112 tỷ đồng.
Trong năm 2023, chi thù lao, phụ cấp và các chi phí khác cho HĐQT và BKS chỉ 10,81 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi thù lao và phụ cấp cho HĐQT là 5,922 tỷ đồng, cho BKS là 3,713 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm qua, VIB đã thực hiện thưởng nhiệm kỳ cho 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS, tổng mức thưởng lên đến 10,71 tỷ đồng. Như vậy, mức chi tiền thưởng còn lớn hơn so với mức thực tế cho thù lao và phụ cấp.
Trong khi đó, HĐQT Ngân hàng Eximbank được phê duyệt mức thù lao cố định cho năm 2024 là 25 tỷ đồng, tức thù lao thực lĩnh bình quân trong năm của tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Anh và 6 người còn lại lên đến 3,57 tỷ đồng/người.
Riêng mức ngân sách hoạt động năm 2024 của HĐQT là 10 tỷ đồng, số tiền này được chi cho công tác phí, chi phí tiếp khách, chi hội họp, chi phí đào tạo và thuê tư vấn cho HĐQT.
Eximbank thống nhất mức thù lao cố định cho 3 thành viên BKS là 0,25% lợi nhuận trước thuế hợp nhất nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, quỹ thù lao năm 2024 cho BKS có thể lên đến 13 tỷ đồng nếu ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, tương đương mức thù lao bình quân mỗi thành viên là 4,3 tỷ đồng.
Eximbank là ngân hàng hiếm hoi thu nhập bình quân của thành viên BKS cao hơn so với thành viên HĐQT.
Tại một ngân hàng trong nhóm Big 4 khác là BIDV, thù lao của HĐQT và BKS năm 2024 tối đa bằng 0,26% lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024, tương đương 57,38 tỷ đồng nếu ngân hàng đạt đúng kế hoạch lợi nhuận đề ra. Như vậy, mức thù lao bình quân tối đa của mỗi thành viên là 4,098 tỷ đồng.
Tại ABBank, mức chi thù lao cho HĐQT và BKS là 35 tỷ đồng. Thù lao bình quân năm 2024 của ông Vũ Văn Tiền và các cộng sự sẽ là 3,5 tỷ đồng/người.
Ngoài ra, trường hợp lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2024 của ngân hàng vượt mục tiêu lợi nhuận được ĐHĐCĐ đề ra, quỹ lương dành cho HĐQT, BKS là 2% lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch.
Còn tại KienLong Bank, thù lao năm 2024 cho HĐQT và BKS là 30,360 tỷ đồng. ĐHĐCĐ đồng thời thông qua đề xuất thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận cho HĐQT và BKS là 5% x (lợi nhuận trước thuế thực tế - lợi nhuận trước thuế kế hoạch).
Chưa kể phần thưởng vượt kế hoạch, thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong năm 2024 sẽ là 3,37 tỷ đồng.
Những sếp ngân hàng lớn nhận thu nhập khiêm tốn bất ngờ
Mặc dù dẫn đầu toàn ngành về mức chi lương cho nhân viên (bình quân 540 triệu đồng/người/năm), nhưng Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cùng các thành viên HĐQT và BKS lại chỉ nhận thù lao bình quân năm 2024 ở mức khiêm tốn 3,21 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 phê duyệt mức thù lao cố định cho HĐQT và BKS là 38,6 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng MSB, thù lao cho HĐQT và BKS năm 2024 là 24,5 tỷ đồng (năm 2023 chi 20,11 tỷ đồng, bằng 79% mức phê duyệt). Nếu chi hết khoản ngân sách được phê duyệt, thù lao thực lĩnh bình quân của mỗi thành viên sẽ là 2,72 tỷ đồng.
Còn tại TPBank, năm 2024, ngân sách cho HĐQT dự trù là 30,432 tỷ đồng, trong đó chi thù lao 21,6 tỷ đồng, chi tư vấn 2,7 tỷ đồng, chi phí hoạt động khác 6,132 tỷ đồng.
Mức thù lao thực lĩnh bình quân mỗi thành viên HĐQT TPBank nhận được sẽ là 2,7 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Bản Việt (BVBank), mức chi thù lao thực nhận cho HĐQT năm 2024 là 9 tỷ đồng. Tính trung bình, bà Nguyễn Thanh Phượng và mỗi thành viên HĐQT có thu nhập 2,25 tỷ đồng trong năm nay.
BVBank và TPBank đều không đề cập đến thù lao cho BKS.
Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng đã được ĐHĐCĐ năm 2024 thông qua tờ trình chi thù lao thực lĩnh cho HĐQT và BKS là 16,748 tỷ đồng, trong đó thù lao của HĐQT là 12,521 tỷ đồng, của BKS là 4,227 tỷ đồng.
Như vậy, thù lao bình quân của mỗi thành viên HĐQT và BKS NCB trong năm 2024 lần lượt là 2,5 tỷ đồng và 1,41 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ Ngân hàng PGBank cũng thông qua ngân sách thù lao HĐQT khoảng 1,78% lợi nhuận trước thuế năm 2024 đề ra nhưng không thấp hơn 7,454 tỷ đồng và không cao hơn 11 tỷ đồng.
Trong khi thù lao BKS khoảng 0,7% lợi nhuận trước thuế, đảm bảo không thấp hơn 3,6 tỷ đồng và không cao hơn 5,4 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, thù lao HĐQT và BKS PGBank lần lượt là 9,86 tỷ đồng và 3,878 tỷ đồng, tương đương mức thù lao bình quân cho mỗi thành viên HĐQT và BKS lần lượt là 2,46 tỷ đồng/người và 1,29 tỷ đồng/người.
Ngoài ra, ngân sách hoạt động trong năm 2024 của HĐQT là 15,248 tỷ đồng và BKS PGBank là 4,91 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng MB, thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2024 tối đa 1,2% lợi nhuận sau thuế riêng lẻ, tức khoảng 27 tỷ đồng (nếu hoàn thành), tương đương mức chi bình quân cho mỗi thành viên là 1,937 tỷ đồng.
Với Viet A Bank, tổng mức thù lao cho HĐQT và BKS năm 2024 là 12 tỷ đồng, bình mỗi thành viên sẽ nhận 1,71 tỷ đồng.
PVComBank đang là ngân hàng niêm yết có mức chi thù lao cho các sếp thấp nhất. Quỹ thù lao năm 2024 là 12,474 tỷ đồng, trong đó thù lao cho HĐQT 9,504 tỷ đồng, BKS 2,97 tỷ đồng.
Quỹ thưởng năm 2024 của PVComBank là 1,559 tỷ đồng, tổng quỹ thù lao và tiền thưởng là 14,033 tỷ đồng.
Nếu tính riêng thù lao thực lĩnh bình quân (chưa kể thưởng), mỗi thành viên HĐQT sẽ bỏ túi 1,58 tỷ đồng, trong khi thu nhập bình quân của thành viên BKS là 990 triệu đồng.
MỨC CHI THÙ LAO (TẠM TÍNH) NĂM 2024 CỦA CÁC NGÂN HÀNG | |||
STT | NGÂN HÀNG | MỨC CHI BÌNH QUÂN (TỶ ĐỒNG/NGƯỜI/NĂM) | GHI CHÚ |
1 | VPBANK | 11,60 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
2 | SACOMBANk | 10,60 | Thù lao thực lĩnh |
3 | SEABANK | 10 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
4 | ACB | 8,80 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
5 | NAM A BANK | 6,666 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
6 | HDBANK | 5,757 | Thù lao thực lĩnh |
7 | LPBANK | 5,555 | Thù lao thực lĩnh |
8 | VIETBANK | 5 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
9 | VIETCOMBANK | 4,54 | Thù lao tạm tính |
10 | VIETINBANK | 4,421 | Thù lao tạm tính |
11 | OCB | 4,363 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
12 | VIB | 4,301 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
13 | EXIMBANK | 4,222 | Thù lao thực lĩnh |
14 | BIDV | 4,098 | Thù lao thực lĩnh |
15 | ABBANK | 3,50 | Thù lao thực lĩnh |
16 | KIENLONG BANK | 3,373 | Thù lao thực lĩnh |
17 | TECHCOMBANK | 3,216 | Thù lao thực lĩnh |
18 | MSB | 2,722 | Thù lao thực lĩnh |
19 | TPBANK | 2,70 | Thù lao thực lĩnh |
20 | BVBANK | 2,25 | Thù lao thực lĩnh |
21 | NCB | 2,093 | Thù lao thực lĩnh |
22 | PGBANK | 1,926 | Thù lao thực lĩnh |
23 | MB | 1,937 | Thù lao + Chi phí hoạt động |
24 | VIET A BANK | 1,714 | Thù lao thực lĩnh |
25 | PVCOMBANK | 1,403 | Thù lao thực lĩnh |
Nghiên cứu từ 2.000 người tiêu dùng: Khách hàng đang dần mất niềm tin vào nhân viên ngân hàng?
Nghiên cứu từ 2.000 người tiêu dùng: Khách hàng đang dần mất niềm tin vào nhân viên ngân hàng?
Thế Giới Di Động (MWG) ‘ôm’ núi tiền mặt cao kỷ lục hơn 30.000 tỷ vẫn đi vay ngân hàng