Tổng mức đầu tư 2 công trình này trên 35.000 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Bình Dương mới đây đã thông qua các nghị quyết tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm.
Theo đó, 2 dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường vành đai 4 (đoạn qua Bình Dương) dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2024.
Ảnh minh họa |
Dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành thuộc quy hoạch các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Nam được Thủ tướng thông qua tại Quyết định 1454/QĐ-TTg. Qua đó, tạo tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch, góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ, các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Dương.
Với dự án này, đoạn qua tỉnh Bình Dương có điểm đầu tại đường Vành đai 3 (thuộc địa phận TP. Thuận An), điểm cuối tại ranh giới Bình Dương và Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án). Tổng chiều dài trên 45,6km. Quy mô đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, công trình giao thông cấp 1.
Về hướng tuyến, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành xuất phát từ đường Vành đai 3 – TP. HCM đi trùng với đường ĐT.743, ĐT.747 đến trước cầu Khánh Vân (phường Khánh Bình, TP Tân Uyên). Sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song với đường ĐH.409 (thuộc TP. Tân Uyên).
Sau đó, cao tốc sẽ giao cắt đường ĐT.747A tại Cổng Xanh (TT. Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên), đi song song và giao cắt với ĐT.741, cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, lên xã An Long (huyện Phú Giáo) đến ranh tỉnh Bình Phước (thuộc huyện Bàu Bàng, Bình Dương).
Dự kiến thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và thi công từ năm 2023 – 2027. Diện tích đất sử dụng khoảng 322,5ha. Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được thực hiện theo loại hợp đồng dự án PPP: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Dự án TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng mức đầu tư trên 17.408 tỷ đồng. Vốn tham gia của Nhà nước là hơn 8.530 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 4.530 tỷ đồng. Vốn huy động từ nhà đầu tư trên 8.878 tỷ đồng (trong đó 70% vốn vay từ ngân hàng). Dự án phấn đấu động thổ công trình đúng dịp 2/9/2024 và hoàn thiện trong năm 2027.
Dự án đường vành đai 4 TP. HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn
Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ được chia thành 2 dự án thành phần. Đối với Dự án thành phần 1 về giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư và phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn Thủ Biên - Đất Cuốc.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đang triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa. Tổng Công ty Becamex IDC đang lập hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng trên phạm vi xây dựng của dự án thành phần 2.
Dự án thành phần 2 về xây lắp, Tổng Công ty Becamex IDC đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và đang thực hiện thẩm tra hồ sơ trước khi trình thẩm định. Theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, địa phương sẽ động thổ dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc) vào dịp 30/4/2024 sắp tới.
Dự kiến, thời gian thực hiện dự án từ 2023-2026. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6ha trong đó tuyến chính 413,4ha, tuyến kết nối 6,2ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là gần 18.247,9 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) dự kiến thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh là hai công trình giao thông trọng điểm, có tác động quan trọng trong kết nối vùng, tổng mức đầu tư của 2 dự án khoảng 35.656 tỷ đồng.
"Thủ phủ công nghiệp" phía Nam
Khu công nghiệp VSIP I Bình Dương |
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP. HCM, cách trung tâm TP. HCM 30km theo Quốc lộ 13, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10-15km… thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội.
Do đó, tỉnh được xem là “vùng trũng” đón sóng mạnh mẽ nhất từ xu hướng này. Các chuyên gia phân tích, Bình Dương là “thủ phủ công nghiệp" của cả nước, sở hữu vị trí liền kề TP. HCM, thông qua nhiều tuyến đường huyết mạch nối thẳng đến trung tâm đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 12.670,5ha, tỷ lệ cho thuê đạt 87,4% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790ha, tỷ lệ lấp đầy 67,4%. Một số khu công nghiệp hiện đại, được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, có tốc độ thu hút đầu tư nhanh và khả năng quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường tốt như VSIP I, VSIP II, Đồng An, Mỹ Phước…
> > Thị xã được đề xuất trở thành thành phố thứ 5 của Bình Dương sẽ có thêm 9 khu vực đô thị