Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư công dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 37.000 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi phương thức đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku từ PPP sang đầu tư công.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1205/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chủ tịch UBND hai tỉnh Gia Lai, Bình Định, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc chuyển đổi phương thức đầu tư dự án từ hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với UBND hai tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương, bao gồm nguồn vốn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách năm 2024, cùng với nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bảo đảm tính khả thi của dự án. Hồ sơ chủ trương đầu tư sẽ được trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 5/2025.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2024, Bộ GTVT đã có công văn số 14038/BGTVT-KHĐT gửi Chính phủ, kiến nghị chuyển đổi phương thức đầu tư dự án và đề xuất Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, phối hợp với hai địa phương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình duyệt theo quy định.
Dự kiến, dự án sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, triển khai xây dựng và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2026-2030.
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài khoảng 123km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định dài 37,4km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 85,6km. Điểm đầu của tuyến tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tuyến đường được đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh với 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Riêng các đoạn có địa hình khó khăn như hầm An Khê và hầm Mang Yang sẽ nghiên cứu phương án vận tốc 80 km/h.
Theo rà soát của UBND hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 36.594 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.733 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 26.833 tỷ đồng, chi phí tư vấn và quản lý dự án khoảng 2.012 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 4.015 tỷ đồng.
>> Vì sao dừng thẩm định đầu tư 2 bến container tại cảng Liên Chiểu 45.000 tỷ đồng?
Bình Định trở thành điểm đến của hàng trăm doanh nghiệp gỗ toàn cầu
Hà Nam đón 2 dự án đầu tư trị giá 110 triệu USD chỉ trong một ngày