Thủ tướng 'đặt hàng' doanh nghiệp Việt tham gia dự án đường sắt 67 tỷ USD: Hòa Phát, THACO sẵn sàng nhập cuộc?
Thủ tướng đã đề nghị Hòa Phát (HPG) tham gia sản xuất thép ray, THACO nghiên cứu chế tạo toa tàu cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 52/TB-VPCP, truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, nhấn mạnh nhiệm vụ và giải pháp để khu vực tư nhân tăng tốc, bứt phá, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thông báo nêu rõ năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, tạo đà để nền kinh tế vươn lên mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phải khẩn trương nghiên cứu, báo cáo về việc giao nhiệm vụ, “đặt hàng” doanh nghiệp triển khai các dự án lớn ngay trong quý II/2025. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm phát triển đường sắt tốc độ cao (xây dựng đường ray, sản xuất toa tàu), đào hầm, làm đường, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cùng với phát triển năng lượng tái tạo và khí hydrogen.
Đồng thời, các bộ, ngành phải đẩy nhanh việc xem xét, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, thông tin kết quả giải quyết và gửi báo cáo lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính trước ngày 20/3/2025. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và trình báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 31/3/2025.
![]() |
Ảnh minh họa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Trước đó, trong chuyến công tác tại Quảng Nam ngày 8/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm các nhà máy của CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Tại đây, Thủ tướng đề nghị THACO tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới sản xuất đầu máy.
Phản hồi về chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch THACO, tỷ phú Trần Bá Dương khẳng định: “Chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm dự án đường sắt, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép”.
Trong khi đó, tại buổi làm việc ở Quảng Ngãi, Thủ tướng đã đề nghị Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc và đường sắt đô thị.
Đáp lại, Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long cam kết có thể đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt.
"Đây là sản phẩm đặc thù, nếu không được sử dụng cho dự án thì rất khó tiêu thụ. Chúng tôi mong có một văn bản như Nghị quyết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất", ông Long nhấn mạnh.
Hòa Phát khẳng định sẵn sàng cung cấp khoảng 10 triệu tấn thép chế tạo cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng với mức giá cạnh tranh hơn so với nhập khẩu.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km với tổng mức đầu tư lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), nối liền từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư bao gồm tuyến đường đôi khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
Theo kế hoạch, từ năm 2025, các nhà thầu tư vấn sẽ được lựa chọn để tiến hành khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2026. Quá trình lựa chọn nhà thầu cho giai đoạn thi công và ký kết hợp đồng sẽ diễn ra trong quý IV/2027, sẵn sàng cho việc khởi công dự án.