Thủ tướng đề nghị tỉnh sắp ‘về chung nhà’ với Hưng Yên lấn biển để phát triển kinh tế, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn xe kết nối thủ phủ của 2 tỉnh
Nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình vào sáng ngày 12/5.
Cụ thể, sáng 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020–2025; đồng thời cho ý kiến về phương hướng phát triển trong thời gian tới cũng như các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Thời gian qua, kinh tế Thái Bình ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, mức cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2020–2025 và vượt mức tăng trưởng GDP cả nước (6,93%). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm, đưa quy mô GRDP năm 2025 lên hơn 151.200 tỉ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2020. Nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện có bước tiến mới. Trong nhiệm kỳ, Thái Bình đã thành lập mới 4 khu công nghiệp gồm Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP và Hưng Phú.
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả tích cực, Thủ tướng biểu dương sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, tăng trưởng chưa thật sự bứt phá. Do đó, tỉnh cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để tạo bước đột phá, tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng trong 5 năm tới.
Thủ tướng yêu cầu Thái Bình quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội. Liên quan đến việc sáp nhập Hưng Yên, Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội để mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mới. Ông yêu cầu địa phương sớm ổn định bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, nhất là trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Việc xây dựng trung tâm hành chính công cần được triển khai theo hướng chủ động, phục vụ hiệu quả hơn.

Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng đặt mục tiêu Thái Bình phải đạt mức tăng trưởng hai con số. Tỉnh cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì; chú trọng phát triển các mặt hàng đặc sản như bánh cáy, xôi kê... Đồng thời, kết nối kinh tế của tỉnh với vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, qua Hải Phòng - Quảng Ninh để tiếp cận thị trường Trung Quốc và mở rộng quan hệ khu vực, quốc tế.
Trong bối cảnh diện tích đất hạn chế, dân số đông, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lấn biển để phát triển khu kinh tế, công nghiệp, bến cảng, hạ tầng; dành đất nội địa cho nông nghiệp công nghệ cao. Đối với các đề xuất của tỉnh, Thủ tướng cơ bản đồng tình, trong đó có việc phát triển khu kinh tế Thái Bình và yêu cầu xây dựng các đề án, dự án cụ thể để triển khai.
“Nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn từ khu vực TP Hưng Yên tới khu vực TP Thái Bình, từ đó kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng”, Thủ tướng đề nghị.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý chủ trương và yêu cầu đẩy nhanh dự án xây dựng bệnh viện đa khoa 1.500 giường và đề án phát triển Đại học Y Dược Thái Bình trở thành một trong những đại học y dược hàng đầu Việt Nam, tiến tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Các dự án này được định hướng theo mô hình bệnh viện thông minh, đại học thông minh, triển khai trong khoảng hai năm và sẽ được Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2025, tỉnh cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; và giảm tối thiểu 30% chi phí hành chính. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu tỉnh bảo đảm an sinh xã hội, không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tỉnh cần quan tâm đến y tế, giáo dục, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh và nhà trường.
* Tổng hợp