Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng '5 tăng', '5 giảm', '5 tăng tốc, bứt phá'

15-03-2024 17:27|Trâm Anh

Chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao hàng loạt nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể với Ngân hàng Nhà nước.

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến, chủ động xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thật tốt chính sách tiền tệ, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp thực chất, hiệu quả.

Về định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ khái quát bằng ba cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

>> Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu 5 lý do khiến tăng trưởng tín dụng giảm 2 tháng đầu năm

Theo đó, Thủ tướng nêu "5 tăng" gồm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; và tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"5 giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

"5 tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng thời, theo Thủ tướng, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động nhưng năm nay là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Mục tiêu tổng quát được đề ra trong kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ đó là: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Một số mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4,0-4,5%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%; tăng trưởng tín dụng đạt 15%.

>> NHNN chi nhánh TP. HCM: Tín dụng 2 tháng đầu năm suy giảm

Tín dụng giảm tốc, cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, liệu nhóm ngân hàng có còn hấp dẫn?

Vừa gửi tiết kiệm 17 tỷ, 30 phút sau tài khoản bị trừ 16,9 tỷ đồng: Người phụ nữ báo ngân hàng nhưng ‘cái kết’ bị cảnh sát đưa đi

Ngân hàng SCB: Mức thiệt hại thực tế nhóm Trương Mỹ Lan gây ra gấp rưỡi con số 498.000 tỷ đồng trong cáo trạng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-tuong-yeu-cau-nganh-ngan-hang-5-tang-5-giam-5-tang-toc-but-pha-226467.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng '5 tăng', '5 giảm', '5 tăng tốc, bứt phá'
POWERED BY ONECMS & INTECH