Thuế thu nhập cá nhân: Biểu thuế 7 bậc quá dày, làm tăng gánh nặng với người nộp thuế
Các chuyên gia nhận định, hiện nay biểu thuế hiện tại có 7 bậc là quá dày, làm tăng gánh nặng với người nộp thuế bởi việc chuyển bậc rất nhanh.
Biểu thuế hiện hành chưa hợp lý bởi 7 bậc chưa hợp lý
Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định Tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Một trong những nội dung đáng chú ý là bổ sung biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.
![]() |
Biểu thuế hiện hành chưa hợp lý bởi 7 bậc chưa hợp lý. |
Bộ Tài chính cho biết, biểu thuế hiện hành chưa hợp lý bởi 7 bậc thuế là quá nhiều. Bên cạnh đó, việc giãn cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp. Mặt khác, số lượng phải quyết toán thuế tăng không cần thiết, trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế lũy tiến từng phần được thực hiện phổ biến trên thế giới.
Dẫn chứng, Indonesia có 5 bậc thuế với các mức thuế suất từ 5-35%. Philippines cũng có 5 bậc thuế. Malaysia cũng giảm số bậc thuế từ 11 bậc năm 2021 xuống còn 9 bậc từ năm 2024. Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam có thể giảm số bậc thuế xuống dưới 7 bậc.
Cùng với đó xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Việc giảm số bậc thuế sẽ tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Trước đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho hay, đây là giải pháp phù hợp tránh tạo gánh nặng cho người thu nhập trung bình khá, đồng thời đảm bảo người thu nhập cao đóng góp công bằng.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, biểu thuế hiện tại có 7 bậc là quá dày, làm tăng gánh nặng với người nộp thuế bởi việc chuyển bậc rất nhanh.
“Số bậc trong biểu thuế nên giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc; mức thuế suất cao nhất là 35% phải hạ xuống tối đa chỉ 25%, các bậc còn lại sắp xếp phù hợp để mỗi bậc thuế suất cách nhau 5%. Như vậy, biểu thuế 5 bậc có thể ở các mức thuế suất lần lượt là 5% - 10% - 15% - 20% - 25%”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời nhấn mạnh, biểu thuế hiện tại quy định ngưỡng thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng phải chịu mức thuế suất 35% là rất cao, ngưỡng này nên tăng lên gấp đôi, tối thiểu phải đạt 150 - 160 triệu đồng/tháng.
Xoay quanh vấn đề này, trước đó, không ít chuyên gia cũng cho hay, việc quy định áp dụng biểu thuế lũy tiến 7 bậc như hiện nay là bất hợp lý, cần được điều chỉnh cho phù hợp.
>> Kể từ nay, để được cấp mới sổ đỏ người dân cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Độ nhảy giữa các bậc nộp thuế cũng chưa khoa học
Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, hiện nay chúng ta có 7 bậc là khá dày đặc và độ nhảy giữa các bậc cũng chưa khoa học.
Cụ thể, các bậc thuế thấp thì có độ nhảy tương đối nhanh, tạo ra áp lực thuế cho những người có thu nhập thấp và trung bình. Ngược lại việc nhảy bậc giữa thu nhập cao thì tương đối hạn chế, dẫn đến hiệu quả thu thuế từ những người có thu nhập cao nhằm mục đích phân phối lại thu nhập thì chúng ta chưa đạt được.
![]() |
Độ nhảy giữa các bậc nộp thuế cũng chưa khoa học. |
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Phụ trách pháp lý thuộc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mức tính thuế thu nhập cá nhân được phân làm 7 mức là quá dày đặc và chưa phù hợp với thực tế.
Theo phân tích của ông Nghĩa, ở bậc 7, với thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng trở lên, người dân phải chịu thuế thu nhập cao nhất 35%. Đây là mức thuế rất cao, vì sau khi trừ thuế thu nhập, nguồn thu còn lại phải lo nhiều việc trong cuộc sống.
“Mức thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng không phải là quá cao, và khá phổ biến trong thị trường lao động hiện nay. Nhiều doanh nghiệp than phiền là rất khó tuyển lao động chất lượng cao, khi mức tính thuế thu nhập đến 35% càng làm cho việc tuyển dụng khó khăn hơn. Chúng tôi đề nghị khi sửa luật nâng mức chịu thuế thu nhập cao từ 150 triệu đồng/tháng trở lên”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho hay, hiện mức thuế có 7 bậc là quá nhiều và gần nhau, vừa gây phức tạp cho việc tính toán, vừa gây việc chuyển bậc quá gần, vì vậy, nên giãn ra 4 - 5 bậc.
Được biết, liên quan đến vấn đề giảm bậc thuế, góp ý về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế nên điều chỉnh đề phù hợp với mức sống hiện nay và tỷ lệ lạm phát. Biểu thuế lũy tiến cần thiết kế với mức tăng dần hợp lý, tránh gánh nặng cho người thu nhập trung bình khá, đồng thời đảm bảo người thu nhập cao đóng góp công bằng.
Biểu thuế cần bổ sung khoảng trung gian nhiều hơn, giảm mức chênh lệch giữa các bậc thuế để tạo sự hợp lý, tránh hiện tượng nhảy bậc gây bất công.
Trong khi đó, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chia nhỏ số bậc thuế thành nhiều bậc hơn nữa thay vì để 7 bậc như hiện nay; nghiên cứu đối với nhóm đối tượng thuộc bậc 1, 2, 3, nên điều tiết mức thuế suất thấp hơn để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Bởi thực tế, đối với bậc 1, 2, 3, thu nhập người nộp thuế ở các thành phố lớn cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Về bậc thuế, thu nhập tính thuế và thuế suất cụ thể, đơn vị này đề xuất, mức thuế suất của bậc 1 (phần thu nhập tính thuế năm là 60 triệu đồng) chỉ 2,5%; bậc 2 (phần thu nhập tính thuế năm từ 60 - 120 triệu đồng) là 5%; bậc 3 (phần thu nhập tính thuế năm từ 120 - 216 triệu đồng là 10%)…
Thông tin mới về nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân
Trường hợp nào không cần phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân?