Tiêm chủng Long Châu mở rộng thị phần trong 'đại dương xanh' 16.000 tỷ đồng
FPT Retail vừa đạt mốc 100 trung tâm tiêm chủng Long Châu trước thời hạn 5 tháng. Dựa vào mạng lưới nhà thuốc rộng lớn và lượng khách hàng sẵn có, Long Châu đang nhanh chóng bắt kịp VNVC.
FPT Retail (HoSE: FRT) bắt đầu mở trung tâm tiêm chủng Long Châu từ quý IV/2023. Công ty cho biết, quy mô thị trường vắc xin tại Việt Nam năm 2023 đạt 16.000 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước) và nhu cầu tiêm chủng có thể vẫn tăng trong dài hạn, nên quyết định nhân rộng mô hình này bắt đầu từ năm 2024.
Long Châu đặt mục tiêu có 100 trung tâm vắc xin vào cuối năm 2024, sau đó mở thêm 100 - 150 trung tâm vắc xin mỗi năm trong các năm 2025 - 2026. Trung tâm tiêm chủng Long Châu dự kiến sẽ được mở cạnh nhà thuốc Long Châu để thu hút khách hàng hiện có. Tính đến tháng 5/2024, FRT có 80 trung tâm vắc xin, phủ sóng 37/63 tỉnh thành trên khắp cả nước. Dù mới tham gia, quy mô này chỉ xếp sau CTCP Vacxin Việt Nam (VNVC) với 179 trung tâm.
Mới đây, FPT Retail cho biết công ty đã mở được 100 trung tâm tiêm chủng Long Châu, vượt kế hoạch trước 5 tháng. Trong 3 tháng qua, đã có thêm 20 trung tâm mới được mở. Được biết trong thời gian còn lại của năm 2024, Long Châu sẽ tập trung vào việc kiện toàn chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm, chất lượng chuyên môn.
Long Châu đạt quy mô 100 trung tâm tiêm chủng trong chưa đến 1 năm |
Thế mạnh của tiêm chủng Long Châu là tận dụng được 16 triệu khách hàng hiện có và mạng lưới nhà thuốc trên toàn quốc, từ đó có thể bán chéo dịch vụ vắc xin. Khách hàng hiện tại của Long Châu chủ yếu là những người trưởng thành mắc bệnh mãn tính và có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Do đó, những khách hàng này được khuyến khích tiêm chủng các vắc xin phòng ngừa các bệnh có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như viêm phổi và cúm, nhằm tránh làm suy giảm thêm hệ thống miễn dịch của họ.
SSI Research đánh giá rằng với khả năng quản lý số lượng lớn cửa hàng trên khắp các tỉnh thành cả nước, FRT có thể nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh mới để bắt kịp VNVC.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng sẽ đối mặt một số rủi ro nhất định gồm: (1) Sốc phản vệ sau tiêm chủng rất phức tạp và cần có chuyên môn. Các bệnh viện tuyến đầu có thể xử lý sốc phản vệ, trong khi các trung tâm/trạm y tế tiêm chủng công và tư thiếu chuyên môn và cơ sở vật chất để xử lý các trường hợp này; (2) Vắc xin cần được bảo quản ở nhiệt độ đúng chuẩn. Việt Nam thường xuyên gặp tình trạng mất điện, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin, thậm chí dẫn đến sốc phản vệ sau tiêm chủng. Long Châu đã trang bị các phương tiện bảo quản vắc xin và thiết bị lưu trữ điện phù hợp để duy trì nhiệt độ cần thiết cho vắc xin ngay cả khi mất điện.
>> FPT mang toàn bộ vốn góp tại Long Châu lập công ty mới, mở đường cho IPO?
FLC bất ngờ triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2
DIC Corp (DIG) gia nhập ‘đường đua’ nhà ở xã hội với dự án 1.400 tỷ đồng tại tỉnh miền Trung