Xã hội

Tiền công đức: Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh

NGUYÊN KHÁNH 06/02/2025 08:19

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, chỉ khi nào minh bạch tài chính trở thành điều hiển nhiên mới thực sự tạo chuyển biến bền vững trong quản lý tiền công đức.

Tiền công đức: Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh ảnh 1
Ðền Chợ Củi (Hà Tĩnh) nộp 25 tỷ đồng tiền công đức. Ảnh: Phạm Trường

Thưa ông, một số BQL di tích đã có báo cáo về tiền công đức hằng năm với Bộ Tài chính. Ông đánh giá thế nào về tác động của Thông tư 04 đối với quản lý, thu chi tài chính công đức ở các di tích, lễ hội?

Thông tư 04/2023/TT-BTC đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong việc quản lý, thu chi tài chính liên quan đến tiền công đức và tài trợ tại các di tích, lễ hội. Tôi nhận thấy, với quy định mới, việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức đã được cụ thể hóa hơn, từ việc mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, cho đến quy trình kiểm đếm, ghi chép, báo cáo. Những điều này giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích.

Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư 04 trong thực tế sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khi số lượng di tích và lễ hội trên cả nước rất lớn, mỗi nơi lại có điều kiện quản lý khác nhau. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo quy định được thực hiện nghiêm túc và đúng tinh thần.

Con số BQL di tích công khai khoản tiền công đức này còn khiêm tốn với hàng nghìn di tích, lễ hội hằng năm. Theo ông, đâu là những rào cản khiến cho việc công khai, minh bạch tiền công đức tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo chưa thể thực hiện được một cách toàn diện?

Dù Thông tư 04/2023/TT-BTC đã đặt ra khung pháp lý rõ ràng, nhưng thực tế việc công khai, minh bạch tiền công đức tại các di tích và cơ sở tín ngưỡng vẫn còn nhiều hạn chế.

Một trong những khó khăn lớn nhất đến từ tâm lý và thói quen quản lý. Từ trước đến nay, việc thu chi tiền công đức vốn do BQL di tích hoặc các cá nhân phụ trách tại cơ sở tín ngưỡng tự điều hành, ít bị giám sát chặt chẽ. Nhiều nơi vẫn giữ cách quản lý truyền thống, dựa nhiều vào niềm tin của cộng đồng hơn là các quy trình minh bạch. Cơ sở vật chất và công nghệ quản lý cũng là một rào cản.

Một vấn đề nữa là cơ chế giám sát và thực thi. Dù quy định đã có, nhưng việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại từng di tích vẫn còn phụ thuộc vào các cấp quản lý địa phương. Nếu không có sự theo dõi sát sao và những chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm, thì việc công khai, minh bạch chỉ dừng lại trên giấy tờ mà khó đi vào thực tế.

“Tôi nghĩ rằng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các tổ chức tôn giáo, nhà nghiên cứu văn hóa để có những phương pháp truyền thông phù hợp, giúp các bên liên quan hiểu rằng, minh bạch tài chính không phải là kiểm soát hay can thiệp vào hoạt động tín ngưỡng, mà là để bảo vệ chính những giá trị thiêng liêng mà cộng đồng đang cùng nhau gìn giữ”.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn

Nhiều người nghĩ rằng, đã là tiền công đức thì không nên soi xét, để tâm về khoản tiền đó đi về đâu, được sử dụng với mục đích ra sao. Vậy, theo ông cần giải pháp như thế nào để khoản tiền công đức ở các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch song cũng tạo điều kiện cho người dân, người quản lý các cơ sở ấy tin tưởng và tự nguyện công khai tiền công đức?

Quan niệm “đã là tiền công đức thì không nên soi xét” xuất phát từ lòng tin và sự tôn trọng đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn tiền công đức không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội, thì tính công khai, minh bạch là điều cần thiết.

Để đạt được sự cân bằng giữa minh bạch tài chính và sự tự nguyện trong công khai, trước hết cần có cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng loại hình di tích, cơ sở tín ngưỡng. Không thể áp dụng một mô hình cứng nhắc cho tất cả, mà cần có sự điều chỉnh sao cho vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa tôn trọng quyền tự quyết của các cơ sở tín ngưỡng theo quy định pháp luật.

Ứng dụng công nghệ sẽ là một giải pháp quan trọng. Việc triển khai các hình thức đóng góp bằng chuyển khoản, mã QR, hay xây dựng hệ thống báo cáo tài chính điện tử không chỉ giúp minh bạch hóa dòng tiền mà còn giảm thiểu những lo ngại về thất thoát, sử dụng sai mục đích.

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng rất quan trọng. Nếu chỉ đặt ra quy định mà không giải thích rõ ràng tại sao cần công khai, minh bạch, thì rất dễ tạo ra tâm lý phản kháng hoặc không hợp tác từ phía người quản lý cơ sở tín ngưỡng.

Tôi cho rằng, cần có những mô hình quản lý tiêu biểu để làm gương. Khi một số cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt việc công khai, minh bạch tài chính mà vẫn đảm bảo được hoạt động tín ngưỡng thuận lợi, thậm chí còn thu hút được nhiều sự đóng góp hơn, những nơi khác sẽ nhìn vào đó và dần thay đổi cách làm.

Chỉ khi nào minh bạch tài chính trở thành một điều hiển nhiên và được xã hội thừa nhận là cần thiết, mới có thể thực sự tạo ra sự chuyển biến bền vững trong quản lý tiền công đức.

Cảm ơn ông!

>> Mùa lễ hội 2025: Minh bạch tiền công đức

Mùa lễ hội 2025: Minh bạch tiền công đức

Ngôi đền nộp hơn 25 tỷ đồng tiền công đức, xây dựng từ thời Hậu Lê, hơn 500 năm lịch sử

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/tien-cong-duc-khong-chi-mang-y-nghia-tam-linh-post1714656.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tiền công đức: Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh
    POWERED BY ONECMS & INTECH