Tỉnh được mệnh danh là 'vùng đất đế vương' chính thức khánh thành tượng đài con tàu bê tông cốt thép, diện tích 3.200m2 sau 2 năm xây dựng
Sau 2 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.
Tối 27/10, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hàng nghìn người đội mưa tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và khánh thành công trình tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc". Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, ý nghĩa, mang đến cho thế hệ trẻ bài học lớn về tình yêu quê hương đất nước và tinh thần cách mạng. 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu mốc có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử dân tộc.
Cụ thể, sau Hiệp định Genève 1954, Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt với hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Từ 15/10/1954 đến 1/5/1955, đã có 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết tại Thanh Hóa.
Con tàu tập kết ở Cảng Hới, TP Sầm Sơn hoàn thành. Ảnh: Vneconomy
Thông tin từ VnExpress cho biết, tượng đài con tàu thuộc quần thể Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ở ven bờ sông Mã, thuộc phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Dự án có quy mô hơn 40.000m2 với tổng chi phí gần 255 tỷ đồng. Trong đó, 76 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, còn lại là vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa.
Khu lưu niệm được chia thành 3 phân khu với nhiều công trình ý nghĩa như tượng đài con tàu, bức phù điêu lớn hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật...
Tượng đài con tàu được làm bằng bê tông cốt thép, diện tích khoảng 3.200m2. Điểm cao nhất là mũi tàu, cao 12m. Đứng từ mũi tàu, có thể nhìn thấy một phần trung tâm TP Sầm Sơn, phía sau là hạ nguồn con sông Mã đổ ra biển. Trong lòng tượng đài có một bảo tàng thu nhỏ mô phỏng các con tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ)... đã tham gia vận chuyển cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Quanh con tàu là các bức phù điêu lớn. Ảnh: Vneconomy
Phù điêu hình cánh cung khoảng 500m2 được làm bằng đá khối granite, tái hiện những hoạt động của đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam trong quá trình di chuyển từ quê nhà đến khu vực tập kết phía Bắc, với điểm đến đầu tiên là Sầm Sơn.
Ngoài ra, khu lưu niệm còn có khu vực tái hiện hình ảnh lán trại, nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết; con đường ký ức bằng gốm sứ dài hơn 1,1km; công viên chuyên đề gần 24.000m2.
Sau 2 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thanh Hóa - "Vùng đất đế vương".
Có gì bên trong tượng đài 'Con tàu tập kết ra Bắc' gần 80 tỷ ở Thanh Hóa?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt hoa tại Tượng đài Bác Hồ ở Montreuil