Bất động sản

Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sắp có đoạn cao tốc gần 9.000 tỷ

Thanh Sơn 06/08/2024 07:09

Tỉnh này sắp triển khai làm đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 954/QĐ - BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài 60,24 km là một trong những phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài 200,3km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, được đầu tư theo hình thức BOT.

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được triển khai với 3 dự án thành phần gồm: Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Lạt, vùng TP. HCM.

Điểm đầu của dự án (Km0+000) tại nút giao với Quốc lộ 1 kết nối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20), kết nối với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Toàn cảnh tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ảnh: Internet

Toàn cảnh tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ảnh: Internet

Đoạn tuyến có chiều dài nằm trọn trên địa phận các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

>>Điểm mặt 6 cây cầu nối thẳng TP. HCM với tỉnh có sân bay lớn nhất Việt Nam

Ở giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là tuyến cao tốc cấp 100 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Trong giai đoạn 1, các yếu tố về hình học của tuyến đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 100 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.

Ở các vị trí xử lý đất yếu, nền đường đào, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, đoạn dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên đường cao tốc thiết kế mặt cắt ngang với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có chiều rộng nền đường 24,75m.

Dự án cũng sẽ bố trí 5 nút giao liên thông, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 4 nút giao và hoạch định 1 nút giao, bao gồm:

Nút giao Dầu Giây (Km0+000) kết nối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 1 được đầu tư hoàn thiện nút giao dạng hoa thị với quy mô các nút nhánh giao từ 1-2 làn xe.

Nút giao ĐT.763 (khoảng Km16+500) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, Quốc lộ 1 thông qua ĐT.763; hình thái nút giao dạng trumpet; quy mô các nhánh nút giao từ 1-2 làn xe.

Nút giao Cao Cang (khoảng Km38+000) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, trung tâm huyện Định Quán và huyện Đức Linh (Bình Thuận); hình thái nút giao được thiết kế dạng trumpet; quy mô các nhánh nút giao từ 1-2 làn xe.

Nút giao Tân Phú (Km57+700) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, trung tâm huyện Tân Phú; hình thái nút giao dạng trumpet; quy mô các nhánh nút giao từ 1-2 làn xe.

Ở vị trí giao cắt với ĐT.770B (khoảng Km10+400), trước mắt đầu tư cầu vượt trực thông trên đường cao tốc; việc đầu tư hoàn thiện nút giao liên thông được thực hiện vào thời điểm thích hợp.

Dự án cũng sẽ tiến hành xây dựng 26 cầu trên các tuyến đường ngang vượt qua đường cao tốc và 4 cầu trên nhánh nút giao vượt cao tốc; bố trí 24 hầm chui dân sinh kết hợp số vị trí chui cầu dưới trên chính tuyến để đáp ứng nhu cầu kết dân sinh hai bên đường cao tốc.

Đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Ảnh: Internet

Đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Ảnh: Internet

Cùng với đó, dự án cũng sẽ xây dựng khoảng 31km đường gom kết hợp với hệ thống hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang, hệ thống đường hiện hữu nhằm đảm bảo kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống dân cư hai bên tuyến; quy mô đường giao thông nông thôn cấp B; đối với các đoạn tuyến đi trùng với đường hiện hữu, xây dựng đường hoàn trả theo quy mô tương đương với hiện trạng.

Dự án đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống thiết bị trên đường cao tốc, các nhánh nút giao, trung tâm điều hành giao thông tuyến... nhằm phục vụ quản lý, khai thác đường cao tốc nhằm đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả và kịp thời, thân thiện với môi trường.

Cấu trúc hệ thống quản lý giao thông thông minh gồm các thành phần chính như: Hệ thống camera giám sát, hệ thống biển báo thông tin thay đổi, hệ thống dẫn truyền kỹ thuật số...

Trên tuyến cũng sẽ bố trí trạm dừng nghỉ tại Km40, quy mô khoảng 3ha/1 bên. Mức chi phí mặt bằng trạm dừng nghỉ sẽ tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

Sau khi hoàn thành đoạn tuyến sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Internet

Sau khi hoàn thành đoạn tuyến sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Internet

Với quy mô đầu tư như trên, dự án có tổng mức đầu tư 8.981 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.681 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng, thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021.

Bộ GTVT uỷ quyền Cục Đường cao tốc Việt Nam là cơ quan ký kết hợp đồng, BQLDA Thăng Long được giao là bên mời thầu.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, "chia lửa" giao thông cho Quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. HCM - Dầu Giây - Liên Khương, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Công trình cũng tạo nên động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ với ĐBSCL, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh đối với nền kinh tế giữa bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch, đảm bảo an ninh và quốc phòng.

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh cũ là Biên Hoà và Long Khánh; đây được xem là tỉnh đông dân thứ 5 cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là "cửa ngõ" phía Đông của TP. HCM. Trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang được xây dựng sẽ trở thành sân bay lớn Việt Nam.

>>Sân bay là 'cầu nối' với đất liền thuộc tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp được ‘lên đời’

Tỉnh có khu kinh tế lâu đời nhất Việt Nam sắp có công viên 900 tỷ đồng

Đại gia Đường 'bia' tham vọng lớn về dự án đường cao tốc công nghệ mới: Bộ Giao thông vận tải ra đánh giá

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-so-huu-san-bay-lon-nhat-viet-nam-sap-co-doan-cao-toc-gan-9000-ty-d129618.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sắp có đoạn cao tốc gần 9.000 tỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH