'Tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu'
Khi nhắc đến các vụ án liên quan trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội) đã thốt lên rằng "tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu". Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển không đúng theo quy định thị trường, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, vị đại biểu này đề nghị phải gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.
Đổ xô đi mua, rủi ro rất cao
Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Điểm đáng chú ý trong 1 luật sửa 7 luật này được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận liên quan đến việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý. |
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, dự thảo sửa đổi đã rất quyết liệt khi xác định như thế nào là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và thẩm quyền được đầu tư đến đâu.
"Đây là việc rất cách mạng, tránh tình trạng như những năm vừa qua, rất nhiều cá nhân thấy trái phiếu doanh nghiệp bán riêng lẻ lãi suất cao đã đổ xô "mua", rủi ro rất cao", ông Cường cho hay.
Lý giải về thời hạn được phép chuyển nhượng trái phiếu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quy định được chuyển nhượng sau 3 năm để nhà đầu tư tập trung phát triển năng lực doanh nghiệp, đảm bảo ổn định. "Tuy nhiên, trước ý kiến đại biểu cần quy định theo hướng linh hoạt, chúng tôi sẽ tiếp thu và giữ như quy định cũ là 1 năm", ông Phớc cho hay.
Dự thảo luật quy định, chỉ những nhà đầu tư tổ chức mới được "mua", chứ nhà đầu tư cá nhân không được "mua". Theo ĐBQH, quy định này cho thấy, các doanh nghiệp muốn phát hành được trái phiếu riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm.
Như vậy, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động tiền phải có trách nhiệm. Quy định này khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, hạn chế rủi ro, manh mún.
Tuy nhiên, ông Cường bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật cũng quy định những cá nhân đầu tư chuyên nghiệp đầu tư trái phiếu riêng lẻ phải sau 3 năm mới được chuyển nhượng (hiện tại là sau 1 năm) - tương đương nhà đầu tư chiến lược.
"Quy định như này hơi cứng, làm mất tính linh hoạt của việc huy động vốn trên thị trường", ông Cường nhận định và cho rằng, khi nâng việc đầu tư chuyên nghiệp lên thì chỉ nên giữ thời hạn trái phiếu riêng lẻ trong 1 năm.
Gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển không đúng theo quy định thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vừa qua, nhiều vụ án xảy ra là do kẽ hở của pháp luật.
Theo ông Quân, việc sửa luật sẽ quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này, giảm rủi ro hơn cho nhà đầu tư, nhất là người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu am hiểu, thiếu chuyên nghiệp.
ĐBQH Lê Quân (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH. |
"Sau mấy vụ việc vừa qua, tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu. Trong bối cảnh không có sự minh bạch và có thể kiểm soát được thì chúng ta thấy rủi ro. Khi doanh nghiệp có vấn đề về tài chính, người đầu tư trái phiếu là đối tượng ưu tiên sau trong nghĩa vụ trả nợ, vì đối tượng ưu tiên đầu tiên là khách hàng, người lao động, các đối tác vay mượn, sau đó mới đến người sở hữu trái phiếu và cổ đông", ĐBQH Lê Quân cho hay và đề nghị luật cần gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, gắn trách nhiệm của hành vi "thao túng" thị trường trái phiếu.
Nam đại biểu đoàn Hà Nội cũng đặt vấn đề, ngoài những điều khoản quy định ràng buộc liên quan tính chuyên nghiệp, có thể có những quy định về 'thao túng' thị trường trái phiếu, trong các hành vi bị cấm. Các hành vi bị cấm ở đây là trong vấn đề sửa, chỉnh các báo cáo tài chính, hay tạo các thông tin sai lệch...
Đề cập đến hành vi thao túng chứng khoán (khoản 3), ĐBQH Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) thống nhất cần quy định bảo đảm đồng bộ với quy định của Bộ Luật Hình sự, quy định đầy đủ, hoàn thiện hơn theo thực tiễn. Qua đó, ông Thành đề nghị quy định theo hai nhóm hành vi gồm: Hành vi cung cấp thông tin không đúng và tạo các giao dịch giả để thao túng giá chứng khoán, tránh mô tả lặp lại hoặc chưa rõ sự khác biệt với các hành vi.
>> Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, đa số vẫn 'phớt lờ'