Doanh nghiệp

Tôn Đông Á (GDA) lên sàn, nhóm doanh nghiệp ngành tôn đón thêm "ông lớn" mới

Thảo Đan 26/08/2023 - 08:44

Theo đó, mã chứng khoán đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) của CTCP Tôn Đông Á là GDA.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố quyết định chấp thuận CTCP Tôn Đông Á được giao dịch cổ phiếu tại HNX.

Theo đó, mã chứng khoán đăng ký giao dịch của Tôn Đông Á là GDA, với số lượng cổ phiếu đăng ký là gần 115 triệu cổ phiếu.

Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập vào tháng 11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005. Đến năm 2009, Tôn Đông Á chuyển từ hình thức công ty TNHH sang công ty cổ phần, vốn điều lệ ban đầu 120 tỷ đồng.

Kể từ khi trở thành CTCP đến nay, Tôn Đông Á đã thực hiện 13 đợt tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng năm 2009 lên 1.147 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, lần tăng vốn mạnh nhất là năm 2017, vốn điều lệ của Tôn Đông Á tăng gấp đôi, từ 362 tỷ lên 724,8 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, cơ cấu cổ đông của công ty gồm có 262 cổ đông trong nước và 7 cổ đông nước ngoài (có 6 cổ đông nước ngoài là tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).

Tôn Đông Á có 4 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Thanh Trung (32,6%), bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (6,57%), bà Lê Thị Phương Loan (10,73%) và Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam (7,44%).

Tôn Đông Á (GDA) đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom

Tham vọng mở rộng thị trường

Từ khi chuyển thành CTCP, Tôn Đông Á luôn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Năm 2019, công ty thu về hơn 12.612 tỷ đồng doanh thu thuần và 77 tỷ đồng lãi sau thuế. Bước sang 2020, Tôn Đông Á tiếp tục tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó doanh thu đạt 12.437 tỷ đồng và 286 tỷ đồng lãi sau thuế.

Đầu năm 2021, thị trường nội địa đem lại kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Song đến giữa năm, làn sóng dịch bệnh ảnh hưởng sâu và rộng đến sức tiêu thụ trong nước. Song Tôn Đông Á đã chuyển hướng tập trung vào thị tường quốc tế trong giai đoạn này. Kết quả, công ty đạt 25.261 tỷ đồng doanh thu - gấp đôi năm 2020 và đạt 1.209 tỷ đồng lãi sau thuế - gấp hơn 4 lần cùng kỳ.

Sản lượng xuất khẩu năm 2022 chậm lại so với 2021 nhưng tại một số thị trường và khách hàng truyền thống thì sản lượng vẫn duy trì ở mức ổn định. Tổng doanh thu hợp nhất của công ty năm 2022 đạt 21.614 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021, chủ yếu là do giá bán giảm và nhu cầu sụt giảm trong khi giá vốn tăng đột biến.

Trong cơ cấu doanh thu năm 2021 và 2022, phần lớn doanh thu của Tôn Đông Á là doanh thu bán thành phẩm, chính là các sản phẩm như tôn lạnh, tôn lạnh màu và tôn kẽm. Doanh thu bán hàng thành phẩm chiếm 88% - 99% tổng doanh thu. Ngoài ra, công ty cũng có doanh thu từ việc bán hàng hoá, bán phế liệu và cung cấp dịch vụ...

Tuy nhiên, trong năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Tôn Đông Á lần lượt giảm 78% và 55% so với năm 2021 do giá vốn hàng bán tăng cao, đồng thời sản phẩm trên thị trường sụt giảm. Chi phí tài chính tăng lên cùng với tình hình chung của ngành là nhu cầu và giá bán sản phẩm đầu ra bị ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2022 âm 276 tỷ đồng.

Tôn Đông Á (GDA) đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom

Bước sang 2023, tình hình kinh doanh của Tôn Đông Á đã có sự khởi sắc, 6 tháng đầu năm 2023, Tôn Đông Á ghi nhận đạt đạt tổng sản lượng kinh doanh 377.000 tấn, tổng doanh thu 8.734 tỷ đồng và lãi ròng đạt 204 tỷ đồng, lần lượt đạt kế hoạch năm đã đặt ra là 50%, 51% và 102%.

Theo lý giải, mức doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm tương đối so với cùng kỳ nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi, đây là kết quả khả quan so với nửa cuối năm 2022.

Lãnh đạo công ty cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài để phát triển nguồn lực và chú trọng công tác kiểm soát phòng chống rủi ro an toàn bền vững, đa dạng hoá ngành nghề đầu tư tạo thêm nguồn thu bên cạnh các sản phẩm thép. Hai ngành được Tôn Đông Á triển khai đầu tư trong thời gian tới là bất động sản, nông nghiệp – công nghiệp.

Ban lãnh đạo Tôn Đông Á sẽ triển khai kế hoạch nghiên cứu vào các lĩnh vực trên thông qua hình thức góp vốn đầu tư trực tiếp hoặc thành lập công ty mới với tỷ lệ vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ.

Thời gian tới, công ty này dự kiến tiếp tục lập kế hoạch, nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Dự án đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

Ông lớn ngành thép chọn thị trường quy mô 280 triệu dân làm bàn đạp mở rộng tại Đông Nam Á

Tôn Đông Á (GDA): Dự án nhà máy thép 7.000 tỷ đồng có giấy phép đầu tư

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ton-dong-a-gda-len-san-nhom-doanh-nghiep-nganh-ton-don-them-ong-lon-moi-198148.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tôn Đông Á (GDA) lên sàn, nhóm doanh nghiệp ngành tôn đón thêm "ông lớn" mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH