Vĩ mô

Tổng Thuật: Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

31/12/2024 08:00

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". Cổng Thông tin điện tử Chính phủ liên tục cập nhật thông tin về sự kiện này.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị, còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban...

Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các nông dân tiêu biểu với dự kiến khoảng 4.000 đại biểu.

Các đồng chí lãnh đạo điều hành phiên đối thoại:

- Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

- Đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

- Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

- Đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên BCH Trung Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

- Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị đối thoại với nông dân - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là Diễn đàn để Thủ tướng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua 5 lần tổ chức Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo bà con nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân cũng đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 3.
Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc phiên đối thoại - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Hội nghị đối thoại được tổ chức hôm nay càng ý nghĩa hơn trong khi năm qua đầy khó khăn, biến động của tình hình thế giới, thiên tai nặng nề trong nước nhưng dưới sự lãnh đạo Bộ Chính trị sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vượt xa so với mục tiêu.

Gần 3.000 ý kiến, kiến nghị, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như: chuyên mục "Lắng nghe nông dân", qua báo cáo của các tỉnh, thành Hội… thì trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua để lắng nghe ý kiến trực tiếp của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước. Thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay mà như Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải hình thành được gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên tham gia.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 4.
Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cuối cùng là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh cả nước bước vào năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra để đưa đất nước ta bắt đầu bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, khoảng 62,5 tỷ USD

Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, các hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.

Nhân dịp cuối năm 2024 và chào đón năm mới 2025, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước.

Đánh giá cao chủ đề đối thoại cho thấy tinh thần, khí thế của Hội Nông dân trong năm nay, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề để phát biểu, chia sẻ, cùng cầu thị lắng nghe, chung tay, chung sức đồng lòng để phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, điều này cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ kiến tạo phát triển, tăng cường lắng nghe để hoạch định và thực thi chính sách, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn và thuận lợi, phát huy truyền thống tốt đẹp, hiệu quả tích cực trong những năm qua.

Hiện chúng ta đang rà soát việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những mục tiêu đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng, hiệu quả; những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì cần nỗ lực hơn, có giải pháp phù hợp.

Chúng ta cũng đang sắp xếp bộ máy theo tinh, gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, với khí thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 6.
Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới; phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan.

2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 7.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tri ân, tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Với khoảng 4.500 đại biểu, trong đó khoảng 2.000 bà con nông dân, hợp tác xã dự đối thoại, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tri ân, tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025. Trong đó, chia sẻ về những ấn tượng, cảm xúc về những thành quả của năm 2024; những trăn trở, băn khoăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý; với tình cảm ấm áp, chân thành, cùng nhau xây dựng đất nước, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát biểu, các đại biểu Hội Nông dân nêu các ý kiến, kiến nghị; chia sẻ các vấn đề mà nông dân quan tâm.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 8.
Bà Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc HTX chè Thịnh An - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bà Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên: Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, tôi xin được hỏi hai vấn đề liên quan như sau:

Thứ nhất, trên thực tế việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể", cụ thể ở đây là hợp tác xã, tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai.

Thứ hai, về chủ trương quy hoạch đất, hiện Nhà nước đã có các quy hoạch theo 3 cấp, đó là: cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh. Tuy nhiên, lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến việc có những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi tỉnh lại có một quy hoạch khác nhau, làm ảnh hưởng đến việc hình thành chuỗi sản xuất lớn của các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Xin được hỏi, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên?

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 9.
Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023:Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn về cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, lúa gạo… ở 13 tỉnh, đây là chủ trương đúng và bước đầu các vùng nguyên liệu này đã cho kết quả tốt.

Xin được hỏi, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ... Đồng thời, có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 10.
Bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021: Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại Hội nghị này, tôi xin phép được hỏi một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đa cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.

Thứ hai, Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.

Thứ ba,sau thiên tai, nông dân chúng tôi mới thấy, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 11.
Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cuộc đối thoại cần mang tính tương tác nhiều hơn - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cuộc đối thoại cần mang tính tương tác nhiều hơn và bày tỏ mong muốn, các đại biểu Hội Nông dân không chỉ đặt câu hỏi mà từ thực tiễn sản xuất của mình, phản ánh chính sách phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp, băn khoăn, trăn trở gì. Ví dụ, chính sách bảo hiểm chưa phù hợp thì ở điểm nào, giải quyết thế nào và ai giải quyết. Không chỉ hỏi, đặt vấn đề mà cần hiến kế cho Chính phủ, đề xuất những giải pháp xuất phát từ thực tiễn sản xuất.

Từ các câu hỏi của người nông dân, Thủ tướng chỉ định lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp trả lời vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Khuôn khổ pháp lý về tập trung, tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp đã đầy đủ, rõ ràng

Trả lời câu hỏi của nông dân Vũ Thị Thương Huyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy: Theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 12.
Trả lời câu hỏi của nông dân Vũ Thị Thương Huyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ các vấn đề về tích tụ đất đai, quy hoạch sử dụng đất - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về tập trung đất đai, có 3 hình thức, thứ nhất là chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua hình thức dồn điền đổi thửa. Hình thức này được nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ áp dụng trong nhiều năm qua. Hình thức thứ 2 là thuê quyền sử dụng đất và hình thức thứ 3 là hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.

Về tích tụ đất đai, quy định tại Điều 193 Luật Đất đai cũng có 2 hình thức, một là tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thứ hai là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đó là 5 hình thức để thực hiện hình thức tập trung và tích tụ đất đai.

Trình tự thủ tục để thực hiện tập trung hay tích tụ đất đai thì được quy định chi tiết tại Nghị định Nghị định 102 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai.

Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định theo hướng mở rộng đối tượng và nâng hạn mức tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, theo đó tại Điều 177 của Luật Đất đai quy định đối với cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa lên đến 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của các địa phương.

Luật cũng cho phép tại Điều 45 là người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức, còn trường hợp vượt hạn mức thì cần thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng hình thức trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt. Đối với tổ chức kinh tế, Luật không giới hạn việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng với điều kiện phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện phê duyệt.

Như vậy, khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng, và khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013 để chúng ta có quỹ đất đủ lớn theo nhu cầu của tổ chức kinh tế hay các hộ gia đình cá nhân trong sản xuất nông nghiệp, vì khi có quỹ đất đủ lớn thì mới áp dụng được cơ giới hoá hay ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Một mặt vừa để giúp nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên đây là những quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tế và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, đối với bà con, có thể chưa có đủ thời gian nghiên cứu, tiếp cận, tôi đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới của Luật Đất đai 2024, nhất là chính sách đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, để bà con nông dân, các doanh nghiệp hợp tác xã nắm được và có điều kiện để đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho áp dụng các phương thức đó cho việc tích tụ và tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn.

Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất theo ba cấp, cấp cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, tuy nhiên có vùng giáp ranh mà có điều kiện về khí hậu và thổ phát triển cùng một sản phẩm (ví dụ như Thái Nguyên trồng chè, các vùng lân cận có thể phát triển trồng chè), trong pháp luật về quy hoạch hay đất đai cũng đã có quy định đầy đủ.

Như Thủ tướng nói là quy định sử dụng đất theo vùng, theo sản phẩm đã có nhưng cũng đề nghị các địa phương khi xây dựng quy hoạch tỉnh cũng như quy hoạch sử dụng đất cũng có tính đến yếu tố như đại biểu có nêu, ví dụ như ở khu vực đó trồng chè hay tập trung về trồng dâu thì các địa phương lân cận trong quá trình trao đổi, tham vấn ý kiến để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cũng nên định hướng làm sao các khu vực đó phải tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng để gia tăng giá trị cho bà con nông dân. Đề nghị các địa phương lưu tâm vấn đề này trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, một mặt vừa phát triển kinh tế của mình nhưng đồng thời bám quy hoạch của ngành để tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Tiếp tục cập nhật...

Từ bây giờ, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư có gì thay đổi?

Thủ tướng: Nông nghiệp phải tăng tốc và bứt phá, phấn đấu xuất khẩu 70 tỷ USD

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/tong-thuat-thu-tuong-chinh-phu-doi-thoai-voi-nong-dan-102241230232045543.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tổng Thuật: Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH