TP. HCM chiếm 60% tổng lượng kiều hối chuyển về nước
Sáng 7/1, buổi lễ Tổng kết hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn TP. HCM năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025 đã được diễn ra.
Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, lượng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 16 tỷ USD.
Ông Sơn nói: “Hơn 421 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42 trong 63 tỉnh thành, cùng nguồn kiều hối dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024 là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết, TP. HCM dự kiến tiếp nhận khoảng 9,6 tỷ USD, cao hơn 140 triệu so với năm 2023, chiếm 60% tổng lượng kiều hối chảy về cả nước trong năm 2024.
Năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt 9,46 tỷ USD, cao nhất trong các năm kể từ khi có chính sách kiều hối. Trong đó, lượng kiều hối từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á chiếm hơn 53% tổng lượng kiều hối chảy về thành phố.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chảy về TP. HCM đạt gần 7,4 tỷ USD, bằng 78,1% so với cả năm 2023.
Trong cơ cấu tiếp nhận, phần lớn là kiều hối chuyển về thông qua các công ty kiều hối, chiếm khoảng 74,2% tổng lượng kiều hối chuyển về trên toàn thành phố; chuyển qua các tổ chức tín dụng chiếm 25,8%.
Kiều hối về TP. HCM từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 53,8%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước; kiều hối từ châu Đại Dương tăng 20%; châu Mỹ tăng 4,4%. Trong khi đó, kiều hối từ châu Âu chảy về TP. HCM giảm 19,1%.
Ảnh minh họa - Nguồn: Bộ Xây dựng |
Tại buổi lễ, Giám đốc Công ty kiều hối Vietcombank, ông Trịnh Hoài Nam cho biết, trừ có sự đột biến trong quý II từ thị trường xuất khẩu lao động vì yếu tố tỷ giá biến động thì nguồn kiều hối trong năm 2024 nhìn chung vẫn duy trì ổn định như năm ngoái.
Lượng kiều hối về TP. HCM luôn tăng trưởng qua các năm và chiếm tỷ trọng trên dưới 55% tổng lượng kiều hối của cả nước trong 3 năm gần đây.
Ngày 26/9/2024, UBND TP. HCM đã phê duyệt "Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP. HCM đến năm 2030" theo Quyết định số 4235/QĐ-UBND nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực này.
Đề án đặt mục tiêu hướng dòng kiều hối vào các lĩnh vực then chốt, phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố; đóng góp vào các dự án phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường, dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản. Từ đó góp phần trực tiếp vào việc mở rộng đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nền kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để Đề án được triển khai thành công, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty kiều hối và sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là điều cần thiết và quan trọng.
Đây là bước đi chiến lược không chỉ phát huy tối đa tiềm năng nguồn lực kiều hối mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của TP. HCM trong tương lai.
>>Thành phố giàu nhất Việt Nam thưởng Tết 2025 cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng
Bảng giá đất ở Hà Nội và TP. HCM đều tăng mạnh, lo giá đất tăng theo
Chỉ còn 1 tuần nữa, 80 phường ở TP.HCM tinh gọn còn 41, gồm những phường nào?