TP. HCM gửi công văn khẩn về dự án đường 130.000 tỷ lớn nhất Đông Nam Bộ qua 5 tỉnh thành
Đây là dự án giao thông đường bộ lớn nhất từ trước đến nay trong vùng Đông Nam Bộ, có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thông tin từ UBND TP. HCM cho biết, ngày 28/8 Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã có công văn khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP. HCM.
Theo UBND TP. HCM, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021, UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa - Vũng Tàu đã được giao nhiệm vụ triển khai các dự án liên quan đến đường Vành đai 4 TP. HCM.
Vành đai 4 TP. HCM là con đường quan trọng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ. Ảnh internet
Dự án đường Vành đai 4 qua 4 tỉnh và TP. HCM dài khoảng 207km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23km, tỉnh Đồng Nai 45,54km, Bình Dương 47,45km, TP. HCM 17,3km và Long An 78,3km.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 130.000 tỷ đồng, được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 76.772 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng 51.291 tỷ đồng.
Đây là dự án giao thông đường bộ lớn nhất từ trước đến nay trong vùng Đông Nam Bộ, có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tính kết nối giao thông liên vùng giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. Các dự án thành phần sẽ giao cho các địa phương tổ chức thực hiện (tương tự dự án Vành đai 3 TP. HCM).
Với vai trò điểm đầu, TP. HCM là đơn vị chịu trách nhiệm tổng hợp và điều phối quá trình triển khai các dự án này. TP. HCM cũng được giao chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát, lập báo cáo đánh giá chung và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4.
Kênh Thầy Cai - khu vực giáp ranh TP HCM và Long An, nơi tuyến Vành đai 4 TP HCM đi qua. Ảnh: Hoàng Triều
Dự án dự kiến trình Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trước ngày 15/9/2024. Hồ sơ dự án tổng thể sẽ trình cấp thẩm quyền thẩm định, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024.
Đồng thời, chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT TP. HCM, tập trung cao độ, ưu tiên bố trí thời gian, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao nhất, tham gia xuyên suốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Tuyến đường nối tỉnh giàu nhất miền Tây với TP. HCM sắp được chi gần 1.000 tỷ đồng để lên đời
TP. HCM sắp đón 3 cây cầu vượt sông với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ