TP. HCM quy hoạch trung tâm thương mại đầu tiên dưới lòng đất, bên cạnh khu chợ lâu đời nhất TP
TTTM này không chỉ đón lượt khách ghé thăm mà còn tận dụng lưu lượng khách đi lại bằng phương tiện công cộng.
Theo bản đồ quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, ga ngầm Bến Thành là điểm trung chuyển, kết nối kết nối 4 tuyến metro. Hiện nay, tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào 22/12/2024.
Ga ngầm Bến Thành nằm ở vị trí trung tâm TP. HCM nên xung quanh khu vực này sở hữu nhiều công trình, địa điểm nổi tiếng của thành phố. Bên cạnh là đầu mối kết nối nhiều tuyến metro, tương lai nơi đây sẽ đặt trung tâm thương mại (TTTM) ngầm đầu tiên của thành phố.
Ga ngầm Bến Thành đã hoàn tất các hạng mục cơ bản. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ |
Thông tin từ báo Vietnamfinance, TP. HCM dự kiến sẽ xây TTTM ngầm Bến Thành dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi với vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng.
Đối diện khu vực này là chợ Bến Thành. Khu chợ lâu đời nhất thành phố đã có tuổi đời 112 năm, diện tích hơn 13.000m2, với gần 6.000 tiểu thương và khoảng 1.500 sạp hàng.
>> Thông tin chi tiết về việc sáp nhập các phường ở TP. HCM từ 1/1/2025
Khi trung tâm thương mại ngầm được xây dựng, các tuyến metro được hoàn thành, người dân bước xuống các ga tàu điện là đến được khu mua sắm.
Theo dự kiến, trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500m2.
Trong đó, địa phương góp hơn 4.980 tỷ bằng khoản vay ODA cho phần diện tích công cộng; nhà đầu tư góp 3.410 tỷ đồng dưới hình thức hợp tác công tư (PPP). Thời gian thu hồi vốn Nhà nước trong vòng 13 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
Vị trí TTTM dưới lòng đất sẽ được xây dựng. Ảnh: Quỳnh Hương |
Trung tâm này kết nối với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà lân cận... Ga ngầm Bến Thành là đầu mối của các tuyến metro tại TP. HCM.
Khu TTTM ngầm Bến Thành khi kết nối với những trung tâm thương mại lân cận sẽ thiết lập chuỗi phố thương mại quốc tế liên hoàn. Điều này giúp thúc đẩy dịch vụ chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 vừa được UBND TP. HCM trình HĐND TP. HCM, xác định 12 khu vực trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất mà TP có thể phát triển. Các trung tâm thương mại ngầm thành công ở đây không chỉ đón lượt khách ghé thăm mà còn tận dụng lưu lượng khách đi lại bằng phương tiện công cộng.
Cụ thể, với riêng khu vực trung tâm TP. HCM hiện hữu có tổng cộng 8 khu vực phát triển không gian ngầm: 5 không gian ngầm thương mại (khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, khu ga Ba Son của metro số 1, ga Tân Cảng và khu dân cư), 3 không gian ngầm đặc thù (bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng, ga Bến Thành và Đường Hàm Nghi, cảng Sài Gòn).
>> 9 hạng mục của metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức hoàn thành