Chứng khoán

Trà chiều cùng chuyên gia Nguyễn Đức Nhân: VN-Index sẽ đóng tuần trên 1.300 điểm nhưng… không phải đầu năm

Quốc Trung 06/02/2025 20:09

“Kể từ quý II/2024 tới nay, VN-Index chủ yếu đi ngang trong khung 1.250 (+/-50) điểm. Chúng ta đã 4 lần chứng kiến những nhịp điều chỉnh mạnh, song bằng cách nào đó, đáy điều chỉnh cứ nâng dần lên”.

Tôi gặp lại ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm trong một ngày Xuân, trời không có nắng. Đầu tháng Giêng ngoài chúc Tết thì cũng chưa có nhiều câu chuyện để bàn.

1f98f429-b3e7-408c-bb33-1e10f49619d9.jpeg

“Năm qua thị trường chỉ được 6 tháng đầu, còn 6 tháng cuối thì…"! Tôi mở đầu cho buổi trà chiều bằng cách đó. Đại thể vẫn là chứng khoán - chủ đề tôi rất thích được nghe kể mỗi lần anh em có dịp. Vừa thích vừa khoái bởi cái chất thực chiến và những vấn đề, thuật ngữ phức tạp đã được làm mềm bằng cách kể chuyện "đại khái là", "nôm na là" hay "nó giống như kiểu"...

Trở lại câu hỏi ban đầu, ông Nhân nhắc lại câu chuyện 'tỷ giá chỉ là một trong bảy vấn đề nội tại của TTCK' từng chia sẻ cách đó hơn hai tháng, gật đầu nhấn mạnh: "Cũng may mắn thị trường Việt Nam đã kịp tạo đáy và đi lên trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 chính thức bắt đầu. Cá nhân anh cho rằng đa số nhà đầu tư tham gia mua và sở hữu cổ phiếu sau ngày 20/1/2025 đều đã có lợi nhuận nhất định khi VN-Index đang nhích tăng điểm số".

z1.jpg

Lúc này, nhân viên phục vụ cũng vừa bày biện đồ uống ra bàn. Một ấm trà mạn kèm đồ ăn vặt. Hương trà thơm lan tỏa không gian.

"Việt Nam vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết kéo dài với thời tiết đẹp trải từ Nam ra Bắc. Với thời tiết đó, ai cũng mong chờ một mùa Xuân rực rỡ. Tuy nhiên ngày giao dịch đầu năm lại nhanh chóng làm nản lòng anh chị em nhà đầu tư với mức giảm tương đối mạnh về sát mốc 1.250 điểm". Ông Nhân đã bắt đầu câu chuyện như thế. Còn tôi, dù không nói nhưng cũng đã xác nhận điều này với tư cách một thực thể trên thị trường.

Rồi vị khách mời nói tiếp: Tuần đầu tiên của năm 2025 Dương lịch, chúng ta đã có trải nghiệm mất điểm khi VN-Index đóng cửa tại mức 1.266,8. Kế đó, phiên giao dịch ngay sau Tết Nguyên đán, chỉ số cũng giảm và đóng cửa còn 1.252 điểm. Với các dấu hiệu này, thị trường hàm ý báo với chúng ta một điều rằng sẽ có quý I/2025 tương đối khó khăn.

Đến đây, tôi hỏi: "Phải chăng đây là vấn đề tâm linh, như các cụ hay nói đầu xuôi đuôi lọt?". Ông Nhân giải thích, điều này cũng dễ hiểu vì bối cảnh thế giới bây giờ tương đối phức tạp, đặc biệt kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng ngày 20/1. Các sắc lệnh ông Trump đưa ra cũng gây náo động, giới tài chính toàn cầu cũng bị lái theo các trạng thái cảm xúc đột ngột sau mỗi phát ngôn của vị tổng thống. Câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump.

Tuy nhiên, những động thái gần đây của chính quyền tân tổng thống dường như đã mềm dẻo và linh hoạt hơn so với Trump Version 1 năm 2018. Nó mang tính chất "nắn gân" và có yếu tố "giơ cao đánh khẽ". Vẫn là một phong cách đặc trưng khi hùng hồn tuyên bố các sắc lệnh trừng phạt thuế quan, song Với Trump 2.0, mục tiêu của các sắc lệnh được ban bố đa phần muốn các đối tác ngồi vào bàn đàm phán và thương thảo, điều này rất tốt không những cho Mỹ mà cho cả thế giới.

Rồi ông Nhân bất ngờ rẽ sang câu chuyện của thị trường chứng khoán, nói về "sự bình yên", "không biến động mạnh" trên thị trường trong những năm đầu của một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Điều này đã được xác thực qua nhiều năm ở các nhiệm kỳ tổng thống khác nhau, dần trở thành một luận thuyết về “Chu kỳ tổng thống”.

Đến đây, chén trà thơm thứ nhất vẫn còn nguyên trên bàn.

Sau nhậm chức, trong 3 tháng điều hành đầu tiên của ông Donald Trump, các chính sách và sắc lệnh được ban bố sẽ mang đậm dấu ấn về đối ngoại và đối nội của Mỹ trong 4 năm tới. Do vậy, không những thị trường Việt Nam, các thị trường khu vực Đông Nam Á, châu Á, Âu sẽ còn nín thở theo dõi những động thái mới nhất từ Nhà Trắng trong khoảng thời gian này. Sự quan trọng của 100 ngày tới thậm chí đã được Wikipedia ghi chép như một dấu ấn đặc biệt, đủ để thấy sức tác động thế nào đối với toàn thế giới.

Chúng ta cũng thở phào nhẹ nhõm khi mà những phiên gần đây chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD) không thể vượt qua mốc 110. Có vẻ như đã tạo đỉnh ở đây. Điều này cũng tạo thuận lợi cho Chính phủ Việt Nam linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá, đồng thời giảm phần nào áp lực trả nợ USD lên các doanh nghiệp trong nước.

z2.png

Chừng 20 phút kể từ khi bắt đầu cuộc chuyện, những biểu hiệu lo lắng dần xuất hiện trong buổi trà chiều. Ông Nhân có lúc ngưng lại, nhấn mạnh vào những từ khóa trọng tâm trong cuộc thoại, như cách giáo viên Tiếng Anh dạy học sinh cách nhấn vào các trọng âm khi học từ mới. "Thực sự là nếu chỉ số DXY vượt 110 hay cao hơn 112, anh nghĩ áp lực tỷ giá lúc này sẽ rất căng thẳng; Chính phủ rất có thể phải nâng lãi suất điều hành để giảm bớt áp lực. Trong ngắn hạn, việc này ít nhiều sẽ gây bất lợi cho nhóm doanh nghiệp đang có dư nợ cao hoặc đang có mong muốn tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng.

>> Chuyên gia Nguyễn Đức Nhân: Tỷ giá chỉ là một trong 7 vấn đề nội tại của TTCK

6f7def8f-e25d-46e5-a472-086b4a929b3b.jpeg

Sau một phác thảo vĩ mô nhìn từ sự kiện ông Trump trở lại Nhà Trắng, tách trà mới bắt đầu được ông Nhân nâng khỏi mặt bàn. Ba giờ chiều ngày 4/2, thị trường vừa đóng cửa. Anh em tôi chuyển câu chuyện trở lại Việt Nam.

"Trong khi chứng sĩ chờ VN-Index vượt 1.300, nông dân trồng lúa phía Bắc đã gặt xong 5 vụ lúa, chợ nổi Cái Răng đã họp được mấy trăm phiên... còn GDP Việt Nam đã tăng thêm 70 tỷ USD". (Cười)! Tôi bắt đầu bằng câu chuyện thị trường chứng khoán trong nước đã "mắc kẹt" ở mốc 1.300 điểm suốt 32 tháng.

Ông Nhân tiếp lời, với phiên tăng điểm trở lại ngay sau ngày 3/2, có vẻ như sự kỳ vọng của nhà đầu tư phần nào đã quay trở lại, nhất là khi khối lượng giao dịch khớp lệnh đang liên tục gia tăng. Tuy nhiên, kể từ quý II/2024 tới nay, VN-Index chủ yếu đi ngang trong khung 1.250 (+/-50) điểm. Chúng ta đã 4 lần chứng kiến những nhịp điều chỉnh mạnh, song bằng cách nào đó, đáy điều chỉnh cứ nâng dần lên.

- Lần 1: VN-Index có đáy đầu tiên ngày 19/4/2024 tại mức 1.166 điểm và sau đó tăng một mạch tạo đỉnh tại 1.306 ngày 13/6/2024;

- Lần 2: VN-Index tạo đáy tại 1.184,5 điểm ngày 5/8/2024 trước khi tăng lên mức 1.302,2 điểm ngày 1/10/2024;

- Lần 3: VN-Index tạo đáy 1.198 điểm ngày 20/11/2024 sau đó chạy lên mức 1.283,1 điểm ngày 25/12/2024

- Lần 4: VN-Index giảm về 1.220,9 điểm ngày 13/1/2025 trước khi bứt lên sát mốc 1.265 điểm phiên 4/2.

z3.jpg

Hiện tại, chỉ số đang gây áp lực phá vùng kháng cự 1.285 (+/-5) điểm và cao hơn là mốc 1.300. Điều gì sẽ xảy ra? Lúc đó, rất có thể chúng ta sẽ được chứng kiến dòng tiền lớn cuồn cuộn đổ vào thị trường. Dù vậy, cho đến khi nào chỉ số chính thức vượt và đóng tuần vững vàng ở mức nào đó trên cao điểm 1.300, nhà đầu tư vẫn cần xác định rằng thị trường chứng khoán vẫn đang đi ngang với đáy nâng dần. Cần nhớ rằng, dù đã 3-4 lần tiếp cận, thậm chí vượt mốc 1.300, VN-Index chưa một lần đóng tuần giữa được mốc ấy.

Cá nhân anh luôn bảo lưu quan điểm rằng, chỉ khi kết tuần trên 1.300 điểm, đây mới là điều kiện đủ để dòng tiền lớn (với trên 73.000 tỷ đồng tiền mặt và trên 290.000 tỷ đồng dư nợ margin) tham chiến. Nếu điều này xảy ra, sớm nhất tháng 9/2025 chúng ta có thể chứng kiến thị trường hướng lên điểm cao 1.420 (+/-10) điểm.

Bốn giờ chiều! Trong khi VN-Index đã dừng chân sát mốc 1.265 điểm, viễn cảnh được những người trong cuộc trà vẽ ra đã vượt xa mức đó.

Lại tản mạn về câu chuyện khối ngoại bán ròng kỷ lục trong năm 2024, tôi hỏi ông Nhân "Anh có nghĩ đây là cơn ác mộng?" và nhận được câu trả lời rằng: "Thị trường Việt Nam khỏe và vững vàng hơn nhiều so với các thị trường khu vực đang cùng cảnh bị khối ngoại rút vốn".

Trong các chỉ số thị trường ở thời điểm hiện tại, chỉ HNX-Index và UPCoM-Index là đang tương đối tích cực so với hai chỉ số chính VN30 và VN-Index. Hiểu nôm na là, dù lực bán của khối ngoại rất mạnh, tâm điểm bán chủ yếu tập trung ở nhóm VN30 cũng như lẫn trong số ít cổ phiếu riêng lẻ trên sàn HoSE.

Từ góc nhìn đó, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm kiếm lợi nhuận trong khung thời gian này ở nhóm vốn hóa trung và nhỏ, trong bối cảnh nhóm large cap phần lớn đang "chịu trận" trước xu hướng xả bán khó đoán định của các dòng tiền nước ngoài.

z4.png

Cách đây hai năm, anh từng chia sẻ trên báo chí rằng "cổ phiếu bất động sản - đỉnh núi sương mù một vài năm", hàm ý rằng nhóm này khó có thể trở lại ngay sau biến cố trái phiếu năm 2022. Thực tế đến hiện tại, dù là tệ nhất, các cổ phiếu nhóm này đều đã có dấu hiệu tạo đáy. Quan sát và thực chiến nhiều năm, rõ ràng điều kiện tiên quyết của một thị trường tăng giá thì không thể có ngành nào vẫn đang đi tìm đáy mới được.

Vị chuyên gia Mirae Asset đồng thời nhấn mạnh rằng, những ngày gần đây, tín hiệu tạo đáy cũng đang đến với nhóm đầu tư công, chứng khoán, bán lẻ, vật liệu xây dựng. Thậm chí, nhóm đang duy trì uptrend mạnh như hệ sinh thái FPT hay Viettel dù chịu áp lực điều chỉnh song vẫn rất đáng lưu tâm.

"Chúng ta đã nói nhiều về AI và những cam kết của ông Trump như 'chuyển sản xuất về Mỹ' hay 'làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn'. Việc Nvidia ký kết với VinBrain để thành lập nhà máy sản xuất robot gợi mở một kỷ nguyên mới – thời đại AI và robot.

Trước đây, robot chủ yếu hoạt động trong công nghiệp nặng, nhưng trong kỷ nguyên Trump 2.0, AI và robot có thể lan rộng sang công nghiệp nhẹ và các ngành phụ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều lao động sẽ bị thay thế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho một số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng, những lĩnh vực khó bị thay thế bởi AI". Tôi (người viết) - nhân chứng của cuộc trò chuyện được yêu cầu là người sẽ xác thực lại dự đoán của ông Nhân về viễn cảnh này.

Năm giờ chiều! Gió lạnh quay trở lại. Một người nghe đã uống gần cạn phần trà. Chỉ còn tách trà của khách vẫn như chưa hề vơi bớt. Không phải chất lượng đồ uống mà bởi câu chuyện cuốn quá. Đôi khi như nhà đầu tư cá nhân ngồi canh bảng điện, xem giá lên giá xuống rồi quên ăn, quên uống, rồi lại quên cả việc cắt lỗ, chốt lời.

Giữa tiết lập Xuân Ất Tỵ, bất chấp đà bán ròng mạnh của khối ngoại, ông Nhân vẫn tin tưởng rằng chúng ta đang đứng trước một con sóng lớn thậm chí rất lớn mà trong lịch sử chứng khoán đây là lần thứ ba tín hiệu dài hạn này xuất hiện...

>> Chuyên gia KBSV và góc nhìn cổ phiếu bất động sản: Đỉnh núi - sương mù một vài năm

VN-Index trụ lại mốc 1.270 điểm, cổ phiếu TCB vượt đỉnh 2 năm

Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tra-chieu-cung-chuyen-gia-nguyen-duc-nhan-vn-index-se-dong-tuan-tren-1300-diem-nhung-khong-phai-dau-nam-274735.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trà chiều cùng chuyên gia Nguyễn Đức Nhân: VN-Index sẽ đóng tuần trên 1.300 điểm nhưng… không phải đầu năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH