Thế giới

Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư đổ xô rút vốn: Chuyện gì đã xảy ra?

Minh Lan 23/05/2025 - 09:19

Một làn sóng bán tháo trái phiếu đang lan rộng trên toàn cầu sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và dự luật cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump làm dấy lên lo ngại về tình hình tài khóa.

Ông Rong Ren Goh, Giám đốc đầu tư trái phiếu tại Eastspring Investments, cho biết khi một quốc gia bị hạ tín nhiệm hoặc ban hành các chính sách có thể làm tăng nợ công, nhà đầu tư thường trở nên lo ngại hơn. Họ sẽ xem xét lại mức độ rủi ro, đặc biệt là với những trái phiếu có thời gian đáo hạn dài.

Mặc dù ông Trump chưa thể thuyết phục được các Nghị sĩ Cộng hòa có quan điểm khác ủng hộ dự luật thuế – vốn có thể khiến nợ công Mỹ tăng thêm từ 3.000 đến 5.000 tỷ USD – nhưng chỉ riêng việc dự luật này được đưa ra đã đủ để thổi bùng làn sóng bán tháo trái phiếu trên toàn cầu.

Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư đổ xô rút vốn: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
Ảnh minh họa

"Thị trường chẳng hề thấy hấp dẫn gì ở bản dự luật thuế 'to và đẹp' của ông Trump. Trái phiếu Kho bạc Mỹ đã bị bán tháo dữ dội", Vishnu Varathan, Giám đốc điều hành tại Mizuho Securities, bình luận.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã vượt ngưỡng 5% hai ngày liên tiếp – mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, hiện đang ở mức 5,088%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng hơn 15 điểm cơ bản kể từ đầu tuần.

Đợt bán tháo này nối tiếp xu hướng rút vốn khỏi tài sản Mỹ trong tháng 4 và phản ánh sự sụt giảm niềm tin vào thị trường Mỹ, theo các chuyên gia. Trong khi tháng trước, nhà đầu tư rút khỏi trái phiếu Mỹ và chuyển sang trái phiếu Nhật Bản, Đức thì lần này, làn sóng bán tháo lan rộng ra nhiều thị trường lớn khác.

Hiệu ứng lan truyền và những lo ngại dài hạn

Mặc dù các yếu tố nội tại khác nhau đang ảnh hưởng đến từng thị trường, điểm chung là sự lo ngại ngày càng tăng về triển vọng tài khóa đang xấu đi. "Điều này buộc nhà đầu tư phải đánh giá lại phần bù rủi ro cho các khoản nắm giữ trái phiếu dài hạn", ông Goh cho biết.

Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 40 năm đạt mức cao kỷ lục 3,689%, trong khi trái phiếu 30 năm cũng ở gần mức đỉnh lịch sử với 3,187%. Lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng 9 điểm cơ bản trong tuần này, lên 1,57%.

Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư đổ xô rút vốn: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 2
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 năm

Theo Ngân hàng Bank of America, đường cong lợi suất trái phiếu Nhật Bản dốc đứng bất thường là do các công ty bảo hiểm nhân thọ – trước đây là những người mua trái phiếu dài hạn hàng đầu – giờ đây không còn mua mạnh nữa vì họ đã đáp ứng đủ các yêu cầu về vốn.

Ngoài ra, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đối lập với tình trạng tài khóa yếu kém, cũng đang góp phần gây áp lực lên thị trường trái phiếu, theo ông Varathan.

Điều này thậm chí có thể gây bất lợi cho nợ công của Mỹ. “Việc tài sản Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nội địa có thể thúc đẩy thêm dòng vốn rút khỏi Mỹ”, ông George Saravelos, Giám đốc chiến lược ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank cảnh báo.

Tại Đức, lợi suất trái phiếu Chính phủ 30 năm tăng hơn 12 điểm cơ bản, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng trên 6 điểm.

Ông Philip McNicholas, chiến lược gia tại Robeco, cho biết việc Đức tạm ngừng áp dụng "rào chắn nợ công" cùng với kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng ở châu Âu cho thấy châu lục này đang rời xa chính sách thắt lưng buộc bụng. Điều này làm dấy lên kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế trở lại, nhưng cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại và bắt đầu bán tháo trái phiếu.

Ông Varathan bổ sung rằng áp lực thâm hụt ngân sách ngày càng lớn ở Đức, có thể mang tính cơ cấu, cũng góp phần đẩy lợi suất tăng. Tính từ đầu tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm tại châu Âu đã tăng hơn 12 điểm cơ bản, còn trái phiếu 10 năm tăng khoảng 7 điểm.

“Nhà đầu tư hiện không mấy mặn mà với trái phiếu dài hạ”, ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, nhận định trên CNBC. Ông cho rằng áp lực lạm phát toàn cầu chính là “sát thủ” đối với trái phiếu dài hạn, vì loại trái phiếu này bị ảnh hưởng mạnh bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai nền kinh tế, hơn là chính sách Ngân hàng Trung ương như trái phiếu ngắn hạn.

Một vài điểm sáng tại các thị trường mới nổi

Tuy nhiên, một số thị trường mới nổi đang đi ngược xu hướng khi lợi suất trái phiếu giảm. Cụ thể, lợi suất trái phiếu 10 năm của Ấn Độ và Trung Quốc đều sụt nhẹ. Đây là những thị trường hướng đến nhà đầu tư trong nước và thường chịu các biện pháp kiểm soát vốn của Chính phủ.

Lợi suất trái phiếu Ấn Độ giảm khoảng 2 điểm cơ bản kể từ đầu tuần, trong khi Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm nhẹ. Ông cho biết, yếu tố toàn cầu và nhà đầu tư nước ngoài không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến lãi suất trái phiếu tại hai thị trường này.

Tham khảo CNBC

>> Bán 20 tỷ USD trái phiếu trong hai tuần: Chủ nợ lớn nhất của Mỹ kích hoạt làn sóng bán tháo toàn cầu?

Giới siêu giàu bán tháo cổ phiếu, ôm tiền mặt ngay trước khi ông Trump công bố thuế đối ứng: Chuyện gì đã xảy ra?

Trái phiếu bất ngờ bị bán tháo ồ ạt, Nhật-Trung ‘trong tầm ngắm’: Chuyện gì đã xảy ra?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trai-phieu-bi-ban-thao-o-at-nha-dau-tu-do-xo-rut-von-chuyen-gi-da-xay-ra-143040.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Trái phiếu bị bán tháo ồ ạt, nhà đầu tư đổ xô rút vốn: Chuyện gì đã xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH