Sức khoẻ

Trầm cảm, rối loạn lo âu ở người trẻ

Phương Thảo 20/03/2024 - 15:26

Trầm cảm ở người trẻ hoặc ở lứa tuổi vị thành niên nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại hậu quả nặng nề về sức khoẻ tinh thần.

Trầm cảm, rối loạn lo âu ở người trẻ

Sống khép mình, không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với cha mẹ, bạn bè hay mọi người xung quanh. Công việc ngưng trệ, học tập giảm sút, luôn cảm thấy mình thua kém, có những hành vi, suy nghĩ tự sát hoặc tự huỷ hoại bản thân mình…là các triệu chứng của những bạn trẻ mắc bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm.

Trẻ hóa bệnh nhân mắc bệnh rối loạn lo âu

Em N.V.T. - học sinh lớp 12 trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) được ba mẹ đưa đến bệnh viện khám vì rối loạn cảm xúc, ít giao tiếp với bạn bè và gia đình. Em thường xuyên hay cáu gắt, giấc ngủ chập chờn, thậm chí nhiều đêm thức trắng. Bác sĩ chẩn đoán em mắc phải hội chứng rối loạn lo âu dẫn đến trầm cảm. Sau quá trình điều trị hơn 5 năm, tâm lý của T. dần được cải thiện, thích trò chuyện và tiếp xúc với mọi người xung quanh, giấc ngủ sâu hơn. T. chia sẻ, một phần do ba mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối nên ít có thời gian ở gần, phần nữa là do việc học ở trường nhiều áp lực và nặng nề.

Một trường hợp khác là em V.N.K. (19 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) do chơi game nhiều và thức xuyên đêm. Ngày nào cũng từ sáng đến tối, K ở trong phòng đóng kín cửa cày game, không ăn uống, không giao tiếp với mọi người và ít biểu hiện cảm xúc. Gia đình đưa K. đến bệnh viện khám trong tình trạng suy nhược cơ thể trầm trọng, lúc cười lúc khóc, lúc ngồi suy tư và không tập trung. Phải mất gần ba năm liên tục điều trị, sức khoẻ tinh thần K. đã dần hồi phục.

Trường hợp chị L.N.T.M 25 tuổi – Ngụ Bình Thạnh – Đang làm nhân viên văn phòng cho công ty về sản xuất và tư vấn nội thất. Trong thời gian gần đây chị M đã tìm kiếm các trang mạng, hội nhóm dành cho những người có trầm cảm để tâm sự việc bản thân mình rất sợ đi làm, sợ gặp gỡ mọi người, sợ trời sáng đến mức không dám ngủ, chỉ muốn ở một mình. Điều đáng ngạc nhiên là khi dòng tâm sự vừa đăng lên được 30 phút thì có rất nhiều bình luận của các bạn trẻ khác cũng chia sẻ rằng mình cũng đang trong tình trạng giống hệt như M.

Trầm cảm, rối loạn lo âu ở người trẻ ảnh 1
Nhóm những người trẻ cùng nhau chia sẻ tình trạng trầm cảm.

Nhiều bạn trẻ rơi vào trầm cảm đã tự lên mạng để tìm những nguồn động viên, chia sẻ. Trên các trang Facebook nhiều hội nhóm dành cho những người trầm cảm có rất đông thành viên. Trong đó, trang “Cộng đồng những người bị Stress, trầm cảm, rối loạn lo âu” có tới 41,5 ngàn người tham gia. Tại đây, đại đa số là các bạn trẻ chia sẻ tình trạng sức khoẻ tinh thần mà bản thân đang mắc phải.

ThS.BS Đỗ Trọng Thiện, Khoa Tâm Lý & Sức Khỏe Tâm Thần – Bệnh viện Hồng Ngọc đánh giá, bệnh trầm cảm thường có các triệu chứng như: Cảm giác buồn bã, chán nản, suy nghĩ bi quan, tiêu cực, thất vọng kéo dài. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh rơi vào cảm giác mất hứng thú dần, không thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. Trong cuộc sống hàng ngày, các bạn trẻ thường lo lắng, căng thẳng quá mức, thường xuyên cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, khó chịu trong cơ thể nhưng khám bệnh cơ thể không tìm thấy nguyên nhân. Do đó, người mắc bệnh dễ nóng giận, dễ cáu gắt, khó kiềm chế cảm xúc của mình.

Một số người bệnh còn có các biểu hiện liên quan đến thói quen ăn uống và giấc ngủ thay đổi thất thường như ăn uống quá mức, thèm ăn hoặc chán ăn, ăn không ngon miệng. Một số bệnh nhân khác thường mất tập trung chú ý, hay lơ đãng, hay quên, giảm chất lượng học tập, công việc, đảo lộn hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân. Nếu bệnh nặng hơn thì có cảm giác sợ hãi, nghi ngờ vô cớ, nhìn thấy, nghe thấy hoặc liên tưởng suy nghĩ nội dung kì lạ, khác thường.

Bác sĩ Thiện cảnh báo, các dấu hiệu trên kéo dài trên 2 tuần hoặc lâu hơn mốc thời gian này và gặp nhiều các dấu hiệu tâm lý kể trên thì nên đưa các bạn trẻ đi khám tâm lý để bác sĩ có thể chẩn đoán đúng tình trạng bệnh.

Trầm cảm lo âu là một thể loại của suy nhược thần kinh

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Thoa thì có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao thế hệ trẻ ngày nay dễ mắc các bệnh lý về tinh thần hơn so với thế hệ trước. Nguyên do các bạn gặp nhiều áp lực và yêu cầu lớn từ xã hội xoay quanh việc học tập, công việc, gia đình, sự nghiệp. Bên cạnh đó, những thách thức từ thế giới phẳng, sự phát triển mạng xã hội đã tạo ra các hình ảnh và giá trị ảo đến mức phi thực tế. Điều này đã khiến cho các bạn trẻ không ngừng so sánh, đua đòi, tự tạo áp lực lên chính bản thân mình dẫn đến cảm giác thiếu tự tin, bất an và thua kém.

Những năm gần đây, xu hướng giao tiếp qua mạng xã hội trở nên phổ biến hơn nhiều từ điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị khác. Các bạn trẻ trở nên hạn chế tiếp xúc và tương tác với nhau ở thế giới thật. Thậm chí, các bạn hẹn nhau ở quán cà phê hay ăn uống thì cũng mỗi người ôm một chiếc điện thoại và đắm chìm trong thế giới ảo. Việc mất cân bằng với quá trình tương tác xã hội, giao tiếp trực tiếp và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh làm tăng khả năng rối loạn cảm xúc. Nhiều bạn trẻ đã rơi vào cảm giác tách biệt và cô đơn với thế giới thực.

Trầm cảm, rối loạn lo âu ở người trẻ ảnh 2
Trầm cảm, rối loạn lo âu ở người trẻ ảnh 3
Những dòng chia sẻ trong thế giới ảo chứ không phải là sự trao đổi trực tiếp.

Theo Bác sĩ N.T.H – Bác sĩ chuyên điều trị bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Ngoại Thần Kinh Quốc Tế, dẫn chứng về một số nguyên nhân cơ bản đưa đến rối loạn lo âu. Thông thường nhất, người bệnh gặp áp lực về “cơm áo gạo tiền”, chuyện tình cảm trong cuộc sống dẫn đến rối loạn chức năng giấc ngủ. Đây cũng chính là yếu tố chính dẫn đến bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu. Rối loạn ở đây ảnh hưởng chủ yếu đến chức năng giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, giật mình thường xuyên, mơ và ác mộng, thức trắng đêm. Kế đến là stress, với điều kiện giấc ngủ như kể trên kết hợp với stress trong một khoảng thời gian nhất định sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh và trầm cảm lo âu.

Để phòng tránh rối loạn lo âu, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ và thay đổi lối sống, công việc, sinh hoạt hàng ngày. Các yếu tố stress không ai giống ai, mức độ khác nhau, nên các bạn trẻ cố gắng sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý nhất có thể, duy trì thể dục, rèn luyện cơ thể. Buổi tối, các bạn nên chạy bộ với cường độ phù hợp cơ thể của từng người để hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn. Theo bác sĩ H, nhiều bệnh nhân sau khi áp dụng biện pháp chạy bộ, điều trị thuốc kết hợp ăn uống hợp lý thì sức khoẻ có cải thiện rõ. Não chỉ nghỉ ngơi khi có được giấc ngủ sâu. Do vậy những ai không có giấc ngủ sâu trong thời gian dài kết hợp với rối loạn lo âu thì không sớm hoặc muộn cũng sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh. Trầm cảm lo âu cũng là một thể loại của suy nhược thần kinh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khoẻ tâm thần chiếm khoảng gần 15 triệu người. Cụ thể, các bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh có tỷ lệ cao nhất. Trong đó, người trẻ ở độ tuổi vị thành niên mắc bệnh trong khoảng từ 10 đến 18 tuổi. Trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên là một rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong cuộc sống. Đây là vấn đề hay gặp ở tuổi vị thành niên nhưng do các bậc phụ huynh không nhận biết được mà thường nhầm lẫn là giai đoạn dậy thì, là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này nên để tình trạng trầm cảm kéo dài, dẫn đến hành vi tự tử.

Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% lứa tuổi của thế hệ Gen Z (sinh năm 1996 - 2012) cho biết sức khoẻ tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Con số này thấp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó. Tất cả các nhóm thế hệ trước đều có kết quả tốt hơn với thống kê này, bao gồm millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%). Điều này cho thấy sức khỏe tinh thần trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với giới trẻ hiện nay.

Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên với Internet và điện thoại thông minh, có trải nghiệm rộng rãi và khác nhiều về thế giới so với thế hệ trước đó. Đại đa số những người ở thế hệ này có cuộc sống tương đối đầy đủ, được học hành đầy đủ những kiến thức cùng các loại máy móc, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên đây cũng là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với những nội dung tiêu cực, độc hại được gây ra bởi các phương tiện truyền thông và công nghệ như quấy rối, bắt nạt trên mạng xã hội.

Chính vì vậy, thế hệ Gen Z trở thành đối tượng dễ mắc phải các bệnh lý cũng như hội chứng tâm lý nghiêm trọng về tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Trong đó có nhiều bạn trẻ ngày càng trở nên cô độc vì sống thu mình lại với nỗi lo không sánh kịp bạn bè cùng trang lứa.

Tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng

Loại quả ngọt thơm, vừa giàu vitamin vừa là “thuốc” chống trầm cảm tự nhiên, nhưng người mắc tiểu đường tuyệt đối nên tránh

Vượt trầm cảm, cựu học sinh chuyên nhận học bổng trường khó nhất nhì thế giới

15% người bệnh đái tháo đường bị trầm cảm

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/tram-cam-roi-loan-lo-au-o-nguoi-tre-post144683.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trầm cảm, rối loạn lo âu ở người trẻ
POWERED BY ONECMS & INTECH