Trung Quốc, Hàn Quốc im ắng khi Nhật Bản xả nước phóng xạ lần hai
Khi chính phủ Nhật Bản tiến hành xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi hôm thứ Năm, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc gần như không có phản ứng dữ dội như lần xả đầu tiên.
Chiều thứ Năm, một nhóm ủng hộ đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Nhật Bản ở Hồng Kông, giương cao biểu ngữ cáo buộc Nhật Bản gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.
Trước đó vào tháng 8, một cuộc biểu tình tương tự trước cổng lãnh sự quán Nhật Bản đã thu hút rất đông người Hồng Kông tham gia, thì lần này chỉ có 5 người có mặt và họ đã giải tán không lâu sau đó.
Ở đại lục, đài truyền hình trung ương Trung Quốc vẫn đưa tin về vụ xả "nước nhiễm hạt nhân" từ nhà máy Nhật Bản, nhưng không phát sóng trực tiếp trên ứng dụng di động như trước đây. Truyền thông Trung Quốc cho biết đợt xả thải đầu tiên vào ngày 24/8 diễn ra “trong bối cảnh ngư dân địa phương phản đối dữ dội và những lo ngại lan rộng từ các nước láng giềng”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một bình luận ngắn vào tối thứ Năm, cho biết: “Chúng tôi kiên quyết phản đối hành động đơn phương này của Nhật Bản”. Phía Bắc Kinh đồng thời kêu gọi Tokyo “có liên lạc đầy đủ, chân thành với các nước láng giềng và xử lý nước bị ô nhiễm hạt nhân một cách có trách nhiệm”.
“Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy một thỏa thuận giám sát quốc tế sẽ duy trì hiệu quả lâu dài và đảm bảo rằng các nước láng giềng của Nhật Bản và các bên liên quan khác có thể tham gia thực chất vào thỏa thuận này”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Đợt xả thải lần thứ hai cũng thu hút rất ít sự phản đối từ phía Hàn Quốc. Chính quyền Seoul đã theo dõi dữ liệu từ vụ xả thải, một phát ngôn viên của chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sức khỏe cộng đồng không bị ảnh hưởng.
Bất chấp phản ứng trầm lặng hơn, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vẫn chưa tính đến việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với hải sản Nhật Bản. Chính quyền thành phố Hồng Kông đã cấm nhập khẩu hải sản từ 10 quận, huyện của Nhật Bản vào tháng 8 để đáp trả lại đợt xả thải đầu tiên.
Ông Tse Chin-wan, thư ký môi trường và sinh thái của Hồng Kông, cho biết hôm thứ Tư: “Nếu Nhật Bản tiếp tục xả nước bị ô nhiễm hạt nhân, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cấm hải sản”.
Trung Quốc đại lục vào tháng 8 đã áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với tất cả hải sản Nhật Bản và không có dấu hiệu chấm dứt lệnh cấm này bất chấp những lời giải thích nhiều lần từ Tokyo về sự an toàn của hải sản.