Trung Quốc tìm kiếm động lực tăng trưởng từ lao động nhập cư
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc khuyến nghị rằng việc tăng cường sức chi tiêu của các nhóm thu nhập thấp có thể mở ra tiềm năng tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm động cơ tăng trưởng bền vững trong bối cảnh quá trình phục hồi sau đại dịch bị chững lại.
Mới đây, ông Liu Shijin - thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” trong năm nay.
Tuy nhiên, một số cải cách cơ cấu nhất định có thể giúp Trung Quốc phát huy hết tiềm năng tăng trưởng của mình, ông Liu phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy tuần trước.
Mối lo ngại ngày càng gia tăng ở Trung Quốc về tiềm năng dài hạn của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và khủng hoảng nợ chính quyền địa phương, cùng với sự sụt giảm xuất khẩu.
Điều này đã chứng kiến việc chính quyền Bắc Kinh tăng gấp đôi chiến lược “lưu thông kép”, bao gồm sự phụ thuộc nhiều hơn vào chu trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng nội bộ.
Các cố vấn như chuyên gia Liu Shijin từ lâu đã kêu gọi chính phủ trung ương nới lỏng các hạn chế về cư trú ở thành thị để tăng sức chi tiêu của người lao động nhập cư, vốn bao gồm hàng triệu người có gốc gác nông thôn đã giúp thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo dữ liệu vào năm 2022, khoảng 921 triệu trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc sống ở khu vực thành thị, gần gấp đôi số người ở khu vực nông thôn.
Để hỗ trợ quá trình đô thị hóa, Trung Quốc đang nỗ lực nới lỏng chính sách hộ khẩu, vốn quyết định khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục và y tế.
Được áp dụng từ những năm 1950, chính sách hộ khẩu từ lâu đã bị chỉ trích vì hạn chế tình trạng di cư trong nước và ngăn cản người dân nông thôn được hưởng các dịch vụ công ở thành thị, điều này làm giảm thu nhập của họ và làm gia tăng khoảng cách thành thị-nông thôn.
Ông Liu cho biết cần có những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy “sự bình đẳng” giữa người dân nông thôn và thành thị về khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội và dịch vụ công.
Vị chuyên gia cũng đề xuất kế hoạch 3 năm nhằm giúp tăng cường phúc lợi cho người lao động nhập cư, khẳng định rằng chính quyền địa phương có thể mua bất động sản mà các nhà phát triển đang gặp khó khăn trong việc rao bán và sử dụng chúng làm nhà ở cho các nhóm thu nhập thấp.
Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc có khoảng 295,6 triệu lao động nhập cư vào năm 2022.
Ông Huang Qifan, cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh, cũng cho biết việc tăng cường sức chi tiêu của các nhóm thu nhập thấp sẽ là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
“Trong 20 năm qua, mô hình dựa vào bất động sản của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng doanh thu tài chính đã trở nên không bền vững”, ông Huang phát biểu tại một diễn đàn kinh tế được tổ chức ở Quảng Châu hôm thứ Bảy.
Thay vì phát tiền mặt để thúc đẩy tiêu dùng trong ngắn hạn như một số người đề xuất, ông Huang cho biết các biện pháp nhằm tăng sức chi tiêu chung của các nhóm thu nhập thấp đến trung bình sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong vài thập kỷ tới.
Lộ diện doanh nghiệp muốn bán cổ phần dự án điện gió hơn 2.100 tỷ cho đối tác Trung Quốc
Trung Quốc tham vọng xây dựng các công ty Metaverse quy mô toàn cầu