Trương Mỹ Lan chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới, Cục Phòng chống rửa tiền nói gì?
Tại phiên xét xử sáng 30/9, HĐXX đã cho gọi đại diện Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) và đại diện Cục Quản lý ngoại hối (QLNH) tham gia trả lời các câu hỏi của các luật sư.
Sáng 30/9, bước sang tuần làm việc thứ ba, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP. HCM xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi. HĐXX đã cho gọi đại diện Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) thuộc Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và đại diện Cục Quản lý ngoại hối (QLNH) của NHNN tham gia trả lời các câu hỏi của các luật sư.
Đại diện Cục PCRT tham dự phiên tòa sáng nay là bà Nguyễn Thị Minh Thơ.
Trả lời luật sư Phan Trung Hoài (một trong 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về chức năng, nhiệm vụ của Cục PCRT, đại diện Cục PCRT cho biết, Cục này có chức năng xử lý thông tin. Cơ quan này không có chức năng quản lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng về chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về.
Luật sư Phan Trung Hoài (trái) và luật sư Phan Minh Hoàng là 2 trong số 4 luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 30/9. Ảnh: Tân Châu |
>> Bà Trương Mỹ Lan muốn bán một loạt cổ phần lấy tiền khắc phục hậu quả
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: Ngân hàng SCB có phải là đối tượng báo cáo của Cục PCRT hay không? Đại diện Cục PCRT cho hay: Ngân hàng SCB là đối tượng báo cáo vì đây là đơn vị có số tiền giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận về.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi tiếp: Trước khi khởi tố vụ án, Cục PCRT có thông tin gì về các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về hay không? Đại diện Cục PCRT trả lời: Thông tin này đã có trong hồ sơ vụ án.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: Từ năm 2012-2022, Ngân hàng SCB có báo cáo và không có cảnh báo nào từ Cục PCRT, có phải như vậy không? Đại diện Cục PCRT: Các báo cáo của Cục PCRT rất chi tiết. Tuy nhiên, Cục PCRT xin phép không trả lời câu hỏi này của luật sư.
Trước đó, vào đầu giờ xét xử sáng nay (30/9), trả lời luật sư, bà Phạm Thu Vân, Phó trưởng Phòng QLNH đã thay mặt Cục QLNH cho biết, việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhập về phải thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng được cấp phép. Các cơ quan liên quan phải kiểm tra các chứng từ hợp pháp.
Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại phiên tòa sáng 30/9. Ảnh: Tân Châu |
>> Em trai bà Trương Mỹ Lan xin lại 10 tỷ đồng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ở tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, ngoài bà Trương Mỹ Lan được xác định là chủ mưu còn có 8 bị cáo khác có vai trò giúp sức, gồm: Trương Khánh Hoàng (Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG) Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn ACUMEN) Tô Thị Anh Đào (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng Giám đốc VIPD) và Nguyễn Hữu Hiệu (Phó Tổng Giám đốc Công ty An Đông).
Từ năm 2012-2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập các hợp đồng “khống” giữa các công ty tại Việt Nam và Công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty "ma" thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới số tiền lên tới hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng).
>> Ngân hàng SCB xin giảm án cho 6 bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Em trai bà Trương Mỹ Lan xin lại 10 tỷ đồng
Vụ Vạn Thịnh Phát: Choáng với bộ trang sức kim cương bà Trương Mỹ Lan đeo khi bị bắt