Từ châu Âu trở về, tỷ phú Trần Đình Long đã sẵn sàng cho dự án đường sắt cao tốc 67 tỷ USD
Là nhà sản xuất thép Việt Nam duy nhất làm được thép công nghệ cao, Hòa Phát (HPG) cam kết đầu tư vào thiết bị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Hòa Phát (HPG) cam kết cung cấp đầy đủ thép các loại cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến tổng vốn hơn 67 tỷ USD), đặc biệt là thép đường ray và thép dự ứng lực cường độ cao. Sản phẩm không chỉ đạt chất lượng quốc tế mà còn có giá thành cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, nhờ vào nền tảng hoạt động hiệu quả trong ngành thép suốt nhiều năm qua cùng sự chuẩn bị bài bản và tích cực của doanh nghiệp.
Theo báo Đầu tư, trong tháng 10 và tháng 11/2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã đến châu Âu để tìm hiểu thực tế tại các nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới.
Tỷ phú Trần Đình Long trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại châu Âu. Nguồn: Báo Đầu tư |
>> Siêu dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) đón loạt tin vui
Mục tiêu của chuyến đi là nghiên cứu cách bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ, phương thức vận hành sản xuất, và các quy trình kiểm tra chất lượng toàn diện. Tất cả những yếu tố này nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng vượt trội cho đường sắt tốc độ cao.
Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực sản xuất thép, Hòa Phát đã bắt đầu đàm phán hợp tác với các đối tác và nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép hàng đầu thế giới.
Các tập đoàn lớn từ các nước G7 như Danieli, SMS… hiện giữ vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thép đường ray tại châu Âu và châu Á. Đây cũng là những đối tác đã và đang đồng hành cùng Hòa Phát suốt nhiều năm qua trong việc cung cấp thiết bị công nghệ hiện đại.
Là nhà sản xuất thép Việt Nam duy nhất làm được thép công nghệ cao, Hòa Phát cam kết đầu tư vào thiết bị và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hướng tới việc sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, giống như châu Âu đang làm.
Đặc biệt, Hòa Phát đã tính toán giải pháp vận chuyển thanh ray dài tới 120m, nhằm giảm thiểu số lượng mối hàn trên đường ray cao tốc. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành mà còn đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định ở tốc độ cao.
Tại hội thảo “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát” do Chứng khoán HSC tổ chức, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với Tập đoàn Hòa Phát.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính của Hòa Phát khẳng định, đây không chỉ là niềm tự hào của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cơ hội lớn cho tập đoàn - hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép tại Việt Nam.
Bà Kim Oanh cho biết, Chủ tịch Trần Đình Long đã nhiều lần khẳng định rằng Hòa Phát hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án, đặc biệt là thép dùng để làm đường ray.
"Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã làm loại tàu cao tốc này", bà Kim Oanh nói.
Đại gia ngành thép 15 năm trước giờ lâm cảnh lỗ nghìn tỷ sau 10 quý
Cú hích mới cho ngành thép Việt Nam: Nhà máy sản lượng 350.000 tấn/năm chính thức được khởi công